Theo báo cáo toàn cầu 2016 về năng lực tiếng Anh thể hiện qua bài thi TOEIC, điểm số Nghe và Đọc của của Việt Nam tăng so với 2013.
Mặc dù các nhà chuyên môn và quản lý giáo dục đều cho rằng năng lực tiếng Anh của người Việt trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của giao tiếp quốc tế, kết quả bài thi sử dụng chuẩn quốc tế lại cho thấy việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam ngày càng tiến bộ.
Năm 2016, Viện khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) công bố Báo cáo toàn cầu theo định kỳ về năng lực tiếng Anh của người sử dụng ở nhiều nước thể hiện trên bài thi TOEIC. Trong báo cáo này, tuy Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thấp trong số gần 50 quốc gia từ Pháp, Nga, đến Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Phi, điểm số cho các bài thi Nghe và Đọc đã cao hơn so với năm 2013.
So với 2013, Việt Nam trong báo cáo 2016 đã xếp trên Thái Lan trong bảng xếp hạng quốc gia.
Để có thể thấy sự chuyển biến về trình độ người học, nghiên cứu điều tra vẫn dựa trên các bình diện từ tuổi tác, giới tính, chuyên ngành học, vị trí công tác, nghề nghiệp, thời lượng dành cho việc học tiếng Anh, kỹ năng được chú trọng khi học, đến yêu cầu thực tế của đời sống công việc.
Nghiên cứu điều tra vẫn sử dụng tham số mẫu cơ bản như khảo sát trước: 40% trong độ tuổi 21-25; 54% là nam; 54% tốt nghiệp hoặc đang theo học đại học, cao đẳng; 81% đã có quá trình học tiếng Anh 6 năm; chỉ có 11% có cơ hội tiếp xúc với quốc gia bản ngữ khoảng 6 tháng; 23% theo học ngành kỹ thuật; 20% thương mại; và 19% xã hội nhân văn.
Báo cáo 2016 cho biết 44% thí sinh thi 2016 từng thi TOEIC 3-4 lần trước đó. Tuy nhiên, báo cáo không cho biết cụ thể thí sinh Việt Nam là bao nhiêu trong số 44% này. Số lượng thí sinh Việt Nam thi 2-3 lần chắc là rất ít, đơn giản vì không chịu nổi chi phí tốn kém cho các lần thi.
Trình độ tiếng Anh của Việt Nam trong báo cáo 2016 của ETS
Trong bản báo cáo kết quả khảo sát, tổng điểm trung bình hai bài TOEIC Nghe và Đọc của Việt Nam là 507 (trên tổng 900), cao hơn Thái Lan (496). Nhưng điểm Nghe thì Việt Nam thấp hơn Thái Lan (269 và 287). Indonesia vẫn ở vị trí thấp hơn Việt Nam (397) và thấp hơn trước (423). Trong nhóm những nước đứng đầu bảng mà không phải bản ngữ tiếng Anh, cao nhất là Đức (789), Thụy Sĩ (783), kế tiếp là Bỉ (782), Nga (706), Trung Quốc (586).
Bangladesh và Ấn Độ có kết quả cao cũng dễ hiểu vì hai quốc gia này từng là thuộc địa của Anh, vẫn duy trì dạy và học tiếng Anh, xem đây là một trong những ưu tiên trong quá trình phát triển. Thực tế này cũng được ông Lý Quang Diệu khẳng định về vai trò của tiếng Anh đối với sự phát triển của Singapore. Pháp luôn tìm cách khôi phục vai trò của tiếng Pháp trong đời sống quốc tế. Nhưng thực tế tại Pháp cho thấy điều ngược lại, việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống trường của Pháp gần đây đã thay đổi và bắt đầu dạy từ tiểu học.
So với năm 2013, số liệu điều tra tại những quốc gia này cũng cho thấy thông tin rất thú vị. Ví dụ, báo cáo cho thấy tuổi tác người học không ảnh hưởng nhiều đến khả năng thể hiện. Điểm thể hiện trung bình (mean performance) của nhóm tuổi dưới 20 là 492 thì nhóm tuổi trên 45 là 544. Nguyên nhân có thể có rất nhiều, dựa trên những dữ kiện cơ sơ nói trên. Song, rất có thể mục đích và động cơ học tập, môi trường sử dụng, vốn tích lũy kiến thức, vốn sống… là những nguyên nhân quan trọng khiến người lớn tuổi hơn (45+) có điểm trung bình cao.
Tuy nhiên, xét trên bình diện dân số học trong báo cáo này, nhóm tuổi 26-30 có chỉ số thể hiện trên 2 kỹ năng tốt nhất (639). Xét theo giới tính, báo cáo cho thấy chỉ số thể hiện trung bình của nữ cao hơn của nam (602 và 567). Một phát hiện đặc biệt nữa, học viên đã tốt nghiệp đại học có chỉ số thể hiện trung bình cao nhất (673), còn sinh viên các trường dạy nghề vẫn là nhóm có chỉ số ở mức thấp nhất (411), nhưng cao hơn trước (383).
Một trong những động lực dẫn đến tiến bộ là sự đòi hỏi trình độ tiếng Anh của các nhà tuyển dụng, nước ngoài và trong nước. Những đòi hỏi ngày càng cao từ phía người sử dụng lao động khiến các ứng viên cũng như cơ sở đào tạo phải nỗ lực trong việc dạy và học hay tự học.
Một khả năng khác, ý thức được nhu cầu của nhà tuyển dụng, ứng viên Việt Nam ngày càng nỗ lực trau dồi tiếng Anh.
Bài thi TOEIC
Hơn 30 năm qua, TOEIC đã trở thành chuẩn đánh giá kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong môi trường quốc tế. Năm 1979, TOEIC lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản với 2.700 thí sinh tham gia. Những năm 1980, TOEIC đến Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Thụy Sĩ… Những năm 1990, TOEIC đến Pháp, Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Italy, Canada, Mexico… TOEIC hiện đã có mặt tại 150 quốc gia.
Riêng năm 2012, có hơn 7 triệu bài thi được tổ chức trên toàn thế giới, củng cố vị thế TOEIC là công cụ đo lường được sử dụng rộng rãi nhất nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh trong môi trường giao tiếp quốc tế. Các trường đại học ở những quốc gia sau đã đặt TOEIC là yêu cầu tốt nghiệp đối với sinh viên đại học: Pháp, Tây Ban Nha (châu Âu); Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan (châu Á); Brazil, Chile, Colombia (Nam Mỹ).
TOEIC vào Việt Nam từ cuối những năm 1990 và hiện có nhiều trường đại học, cao đẳng đề xuất áp dụng làm chuẩn tốt nghiệp cho sinh viên, được Bộ Giáo dục Đào tạo khuyến khích.
Các nghiên cứu của ETS cho thấy mức độ tương quan giữa các kỹ năng là khá tích cực. Do vậy, người ta có thể sử dụng kết quả đánh giá kỹ năng này để đánh giá gián tiếp kỹ năng khác. Báo cáo khảo sát toàn cầu 2016 cho thấy chỉ số tương quan giữa kỹ năng nghe và đọc rất cao (0.86), nhất quán từ các nghiên cứu trước của Woodford (1982), của Báo cáo Worldwide Data Report 2015…
Cũng vì lý do đó, mặc dù TOEIC có bài thi bốn kỹ năng đáp ứng nhu cầu cụ thể của người sử dụng, không phải tất cả mọi người đều có nhu cầu đánh giá cả bốn kỹ năng vì nhu cầu công việc, học tập đòi hỏi những kỹ năng cụ thể. Do vậy, người ta có thể chọn thi những kỹ năng nào cần thiết cho mục đích sử dụng, hoặc Đọc – Nghe, hoặc thi thêm bài Viết hoặc Nói, tùy thuộc yêu cầu. Trong thực tế, nhiều người, đặc biệt sinh viên, chọn 2 kỹ năng đọc và nghe. Vì hoạt động học tập đòi hỏi nghe và đọc nhiều hơn nói và viết.
Nguyễn Phương – VnExpress