Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều người bảo: “TOEIC cần quái gì phải đến lớp học, tài liệu trên mạng đầy, ở nhà tự học là được”. Hoàn toàn chính xác! Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách tự hoc TOEIC như thế nào là hiệu quả và đúng phương pháp nhất. Rất nhiều, rất nhiều những bạn tự luyện thi TOEIC, kết thúc với một số điểm không như ý và một tâm lý chán nản, ghét bỏ tiếng Anh.
Trong bài viết này, tôi sẽ giải mã hết tất cả những sai lầm mà đa số những bạn tự luyện TOEIC tại nhà mắc phải sau qua hơn 100 cuộc phỏng vấn với những bạn đã và đang ôn thi TOEIC.
1. Không biết trình độ hiện tại của mình ở đâu
Trả lời nhiều email, tư vấn cho nhiều bạn tự học TOEIC. Khi hỏi, “bạn có biết trình độ hiện tại của mình ở mức nào theo điểm TOEIC không?”, nhiều bạn cứ ú ớ, à ờ trả lời không vào trọng tâm như “Hồi cấp 3 em có học ở Trường, mà chủ yếu ngữ pháp, lên đại học cũng có học mà không liên tục, em cũng chẳng biết em ở trình độ nào ..”, “em không biết nữa anh, trong lớp e kiểm tra tầm 5, 6 điềm”…
Các bạn không biết chính xác trình độ của mình thì không có lỗi. Tuy nhiên đã là tự học TOEIC thì điều này cực kì quan trọng. Bạn cần phải biết trình độ hiện tại của mình thì mới có kế hoạch học tập hợp lý, và chọn tài liệu ôn tập phù hợp để đạt được mức điểm mục tiêu.
2. Đặt mục tiêu không thực tế và không có hành động rõ ràng
Có lần mình nghe 1 bạn hỏi như thế này mà muốn bật ngữa “Tháng trước em có thi TOEIC, chỉ được có 500 điểm. Mọi người tư vấn cho em cách nào nhanh nhất để học trong 3 tuần nữa lên được 800 điểm”
Không ai phản đối chuyện nghĩ lớn, đặt mục tiêu thử thách, tuy nhiên thế này thì hơi quá là hoang tưởng. Có lẽ bạn này không phân biệt được đâu là mơ, và đâu là mục tiêu, mục tiêu phải đi kèm 1 kế hoạch hành động rõ ràng.
Chuyện ôn thi trong 3 tuần mà từ 500đ lên 800đ cũng giống như đi bộ từ thành phố HCM ra Hà Nội trong 3 ngày. Có lẽ bạn này chưa biết trung bình để lên được 110 điểm thì cần phải học tiếng Anh xấp xỉ 200h, tùy theo tố chất và nền tảng của từng bạn mà thời gian có thể dài hơn hoặc ngắn hơn.
Để có thể tăng 1 số điểm đáng kể trong kì thi, người học phải phát triển trình độ tiếng Anh tổng quát. Không có mẹo, bí mật hay đường tắt nào ở đây. Chỉ đơn thuần là phải tiếp xúc, học và sử dụng tiếng Anh hàng ngày.
Để hiệu quả hơn, chỉ có thể là phát triển trình độ tổng quát tiếng Anh của mình kèm theo cấu trúc bài TOEIC và có 1 kế hoạch hành động rõ ràng
Lonman TOEIC preparation Course là giáo trình rất hay mà mình thấy là toàn diện để phát triển trình độ tiếng Anh tổng quát và phát triển cả kỹ năng và kiến thức để đương đầu với bài TOEIC, bên cạnh đó, sử dụng giáo trình này bạn còn thể tự phát thảo cho mình 1 kế hoạch học tập hữu hiệu.
3. Giải đề mà không hệ thống hoá lại kiến thức, phát triển các kỹ năng
Khi tôi hỏi “Bạn tự luyện TOEIC bằng cách nào?” thì 9/10 bạn nói là tải đề trên mạng về làm đến khi nào thành thục thì thôi. Chiến thuật đó chỉ hiệu quả duy nhất khi bạn đã có trình độ tiếng Anh tổng quát tốt, giải đề để làm quen với các dạng câu hỏi, quản lý thời gian …
Còn đối với những bạn mới khả năng tiếng Anh còn yếu, hoặc mới biết TOEIC là gì thì lôi đề ra giải chẳng khác nào lấy trứng đập vô đá, một mình ăn 1 cái pizza.
Ứng với mỗi phần trong bài thi TOEIC, sẽ có 1 lượng kiến thức và kỹ năng bạn cần phải phát triển, bạn không thể chỉ làm đề mà phát triển được những kỹ năng đó.
Cách hiệu quả nhất là bạn biết mình cần phải phát triển những kỹ năng gì và dùng đề TOEIC để luyện tập cho những kỹ năng đó.
Sau mỗi lần làm đề, bạn nên hệ thống hóa lại những điểm ngữ pháp, những từ vựng, những dạng câu hỏi thường gặp để ôn lại khi cần thiết.
Bên cạnh Lonman TOEIC preparation Course thì Tactics for TOEIC là cuốn sách bạn cần phải gối đầu để ôn TOEIC 1 cách hệ thống và khoa học
4. Ôn thi TOEIC kiểu đối phó và bỏ cuộc sớm
Đây là hệ quả của sai lầm phía trên. Khi “còn yếu mà đã ra gió”, chưa đủ khả năng mà quất liền đi giải đề TOEIC thì nản ngay, làm sao mà chịu nổi.
Mình từng có kinh nghiệm kèm cho 1 người bạn mình ôn TOEIC, do không có thời gian mà bạn đó chỉ chọn giải đề. Tuần đầu trôi qua rất suông sẽ, nhưng càng làm càng không nghe được, càng đọc càng rối, tới tuần sau thì mất cả động lực, không muốn ôn thi.
Kết quả là không đủ điểm ra Trường. Lần thứ 2 lại vẫn phương pháp như vậy, học để đối phó và chỉ mong đủ điểm ra Trường. Và kết quả lần thi đó, chắc các bạn cũng biết được.
Từ đó đến nay, bạn mình ác cảm với tiếng Anh, và sợ hẵn kì thi TOEIC. Dù bây giờ đã có việc làm ổn định, nhưng vẫn nợ bằng TOEIC để ra Trường.
Để có thể thành công trong kì thi TOEIC, cái bạn cần là thay đổi tư duy, xem kỳ thi TOEIC như là 1 bước đệm để mình phát triển khả năng tiếng Anh sau này, và là chìa khóa để mở ra những cơ hội trong tương lai. Nếu tư duy như vậy thì bạn mới có thể kiên trì theo đến cùng.
8 sai lầm khi tự học TOEIC khiến bạn không bao giờ tiến bộ – Phần 2
Theo Nghetienganhpro