Lầm tưởng học 2-3 tháng là nói được tiếng Anh; chỉ tập trung học trên lớp mà không sử dụng trong cuộc sống; ngượng nghịu khi nói… là những sai lầm được Ngô Quỳnh Vân, giáo viên tiếng Anh, chỉ ra.
Chìa khóa để luyện nói tiếng Anh hiệu quả
Ngô Quỳnh Vân từng tốt nghiệp loại giỏi 2 trường đại học ở Đức và Phần Lan, hiện là giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, chia sẻ các mẹo học tiếng Anh, du học và phong cách sống. Từ việc giảng dạy hàng nghìn sinh viên, học sinh chuẩn bị du học, xin chỉ ra những sai lầm phổ biến của người học Tiếng Anh.
Lầm tưởng học 2-3 tháng là nói được
Sai lầm lớn nhất của người học tiếng Anh là nghĩ mình sẽ nghe, nói, đọc, viết tốt sau 2-3 tháng. Dường như các bạn coi thầy cô và giáo trình như cái phao để tự trấn an xong 1-2 khoá là sẽ sử dụng Anh ngữ trôi chảy. Những bạn nghĩ như vậy thường rất chóng nản, vì đặt mục tiêu quá cao mà không biết rằng đến tiếng Việt còn cần nhiều năm mới thành thạo thì đừng mong giỏi tiếng Anh sau vài tháng.
Có bạn đặt mục tiêu thế này: “Mình sẽ nghe hiểu và đối đáp vanh vách với Tây sau 2-4 tháng học, thậm chí 6 tháng (dù bắt đầu từ con số gần bằng 0)”. Mặc dù vẽ ra viễn cảnh đầy động lực, nhưng rất nguy hiểm. Lúc mới học thì học viên hào hứng, học được vài tháng ra nói chuyện với Tây chẳng ai hiểu, thế là thất vọng, thấy mình kém và bỏ luôn tiếng Anh, khi nào cần sẽ học sau. Kiểu suy nghĩ này là vật cản lớn nhất khiến bạn không bao giờ sử dụng tốt tiếng Anh.
Nếu bạn cứ bỏ cuộc giữa chừng thì những cố gắng thời gian qua sẽ bằng 0. Cứ nghĩ mình còn trẻ, tận hưởng đã, đến lúc thực sự cần tiếng Anh để kiếm việc, lo cho gia đình… thì đã có tuổi và quá muộn, cơ hội trôi đi hết (vì học tiếng Anh cần thời gian dài mới có tác dụng). Và đến lúc đi học lại, bạn vẫn giữ suy nghĩ nhanh nản thì sẽ sa vào vòng luẩn quẩn.
Một người Việt cần ít nhất 1-2 năm, hoặc nhiều năm mới có thể tiếp nhận được ngôn ngữ mới. Thế nên hãy kiên trì trong khoảng thời gian đủ lâu.
Chỉ nhập tâm khi học trên lớp
70% thành công của bạn là do chính bạn. 30% còn lại là của người dẫn dắt bạn. Tài liệu rất nhiều, giáo viên dạy lại một kiến thức nhiều lần mà không chủ động tự áp dụng trong đời sống (lúc đi trên đường, lúc nói chuyện với bạn bè, lúc search Google – rất nhiều bạn còn search Google bằng tiếng Việt)… thì làm sao kiến thức trở thành của bạn được?
Hãy Anh ngữ hoá cả cuộc sống của bạn. Trong đầu luôn ý thức phải dùng Anh ngữ từ những suy nghĩ nhỏ nhất. Viết status trên Facebook bằng tiếng Anh, đọc báo cập nhật tin tức bằng tiếng Anh, lên Youtube xem video hướng dẫn nấu ăn, trang điểm, sửa TV… bằng tiếng Anh. Hãy cởi mở với tiếng Anh để tiếp nhận nó. Đừng coi nó là kẻ thù cần xử lý.
Ngượng nghịu khi nói
Không phải bạn cứ nghe lời thầy giảng là kiến thức thành của bạn. Thật sự nghe tai này lại rơi ra tai kia. Nếu bạn không mở to miệng để luyện nói tiếng Anh thì sẽ không nghe được (mặc dù có thể đọc, viết bạn giỏi). Dù biết bạn có thể rất mệt vì đi làm, đi học nhiều, nhưng nếu bạn nói lí nhí không thành tiếng… thì không ai nghe được để sửa sai cho bạn cả. Bản thân không thực sự hiểu mình đang nói gì, không có ấn tượng gì với từ đó thì làm sao nhớ từ vựng và cách phát âm?
Không kiên trì, hay so sánh với người khác
Mỗi người có tốc độ và khả năng tiếp thu riêng. Có lẽ thói quen so sánh mình với người khác ăn sâu nên phụ huynh và sinh viên không đừng được việc so sánh khập khiễng và vô lý trình độ của mình với người khác… để rồi không tập trung học. Đến thuốc còn cần thời gian tác dụng, đừng nói đến việc học tiếng Anh. Nếu đã tin tưởng vào phương pháp nào và thấy mình đang học được thì bạn cứ yên tâm về phương pháp đấy.
Tóm lại, để học tiếng Anh hiệu quả, các bạn nên xác định sẽ đi một quãng đường dài và hứng khởi với nó, đồng thời ý thức tự giác đưa Anh ngữ vào đời sống. Cuối cùng đừng sốt ruột và so sánh mình với những “cao nhân” rồi nản lòng. Hãy vững tin vào con đường của mình và cố gắng cho đến khi đạt được sự tiến bộ đầu tiên. Bởi học Anh ngữ chính là tiếp xúc với một nền văn hoá mới, cần có thời gian và nỗ lực bền bỉ mới thích nghi được.
Sưu tầm