TOEIC dần thay thế chứng chỉ A,B,C…

Trong chuyện học tiếng Anh có thể tạm chia làm hai loại: Anh ngữ học thuật (dùng để xin học bổng, du học…) và Anh ngữ giao tiếp (sử dụng thường ngày, phục vụ cho nhu cầu công việc…). Nếu mảng học thuật là đấu trường của hai loại chứng chỉ TOEFL (của Viện Kiểm định giáo dục Mỹ) và IELTS (của ĐH Cambridge – Anh), thì mảng giao tiếp dường như chứng chỉ TOEIC đang độc chiếm sự công nhận của thị trường sử dụng lao động thế giới.

Cùng một nhà với TOEFL, nhưng TOEIC (cũng của Viện Kiểm định giáo dục Mỹ cấp) không yêu cầu quá cao về các kiến thức, mà chỉ cần người học đạt được mục đích sử dụng tiếng Anh. Trong các bài thi TOEIC dễ dàng bắt gặp các yêu cầu rất giản dị nhưng cực kỳ cần thiết kiểu: nghe một đoạn thông báo ở sân bay, đọc tóm gọn một bản thông báo…

Theo nhiều giáo viên giảng dạy Anh ngữ thì thực chất việc chuyên tâm lấy chứng chỉ TOEIC là đi theo hướng mà lâu nay các trung tâm quảng cáo dạng lớp luyện nói cấp tốc hoặc Anh ngữ xuất cảnh. Bởi thực chất chứng chỉ TOEIC chú trọng đến kỹ năng: nghe, đọc, hiểu và nói được.

Theo một thống kê do Viện Kiểm định giáo dục Mỹ cung cấp thì hiện có đến 4.000 tập đoàn trên 60 quốc gia thừa nhận và sử dụng như một thước đo trong quy trình tuyển dụng lao động. Theo bà Nguyễn Vũ Hồng Anh, Giám đốc TOEIC Việt Nam, việc áp dụng TOEIC vào công tác quản lý nhân sự và đào tạo đã được nhiều doanh nghiệp trong nước tín nhiệm sử dụng nhờ vào sự tiết kiệm thời gian và ngân sách.

Chỉ trong hai năm có mặt tại Việt Nam, TOEIC đã trở thành một trong những chương trình kiểm tra Anh ngữ quốc tế được nhiều người biết đến. Hơn 70 tổng công ty, công ty, các tổ chức trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã sử dụng TOEIC như một tiêu chuẩn bắt buộc trong công tác tiêu chuẩn hóa và tuyển dụng cán bộ như: Samsung, LG, FPT, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín, Vietnam Airlines… Một giám đốc nhân sự của một công ty săn đầu người tại TP HCM, cho biết: “Không thể đòi yêu cầu TOEFL hay IELTS đối với người lao động ở các công ty nước ngoài vì thực tế số có được 2 loại chứng chỉ này đã gần như chọn mục đích du học và học lên cao. Thậm chí tuyển nhân viên bảo vệ hay lễ tân thì hoàn toàn không yên tâm với bằng A hay B của Việt Nam, nên TOEIC là giải pháp tốt nhất bởi uy tín của quy trình thi cử và bằng cấp”.

Hiện nhiều người cũng đang quan tâm đến một chứng chỉ khác cũng có giá trị quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh – chứng chỉ BEC (Business English Certificates). Đây là chứng chỉ Anh văn Thương mại do Trường ĐH Cambridge cấp, hiện có trên 270 công ty đa quốc gia trên thế giới công nhận chứng chỉ BEC. Để đạt chứng chỉ này, học viên phải qua 3 cấp: sơ-trung cấp, trung cấp, cao cấp. Chương trình đào tạo chủ yếu cung cấp cho học viên vốn từ tiếng Anh dùng trong kinh doanh, các cuộc họp, trả lời điện thoại, sản phẩm dịch vụ…

Một viễn cảnh dễ hình dung: TOEIC xuất hiện trong bối cảnh niềm tin vào các chứng chỉ Anh văn nội địa đang bị lung lay thì niềm tin của người sử dụng lao động và tuyển dụng sẽ dễ dàng chuyển hướng sang chứng chỉ này để bảo đảm thực chất hơn. Chỉ cần họ định ra những mức chuẩn theo thang điểm TOEIC mà tuyển dụng như cách làm khá phổ biến ở các quốc gia lân cận hiện nay. Chẳng hạn Đoàn Luật sư Hàn Quốc quy định người xin gia nhập phải có TOEIC 700, hay Vietnam Airlines quy định đối với nhân viên phòng vé cần 350 điểm, marketing 500 điểm…