Có những hôm tôi làm nhân viên chạy bàn, vì không hiểu ý khách, tôi lấy nhầm món ăn, không những bị khách mắng, bị quản lý nhà hàng mắng, mà tiền lương vất vả làm tôi cũng bị trừ hết. Rồi đêm về, đôi bàn chân nhức mỏi, phồng rộp nhưng tôi không dám kêu than.
Nhìn vào thành công của một ai đó, bạn có thể sẽ trầm trồ ngưỡng mộ vì kết quả họ đạt được. Nhưng nếu chứng kiến chặng đường mà họ đã đi, bạn sẽ nhận ra rằng: “Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp”. Thành công hôm nay của tôi không chỉ có nụ cười mà còn cả những giọt mồ hôi và nước mắt.
Lúc nhỏ, khi xem các bộ phim truyền hình, tôi luôn ao ước lớn lên sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Không chỉ là người hướng dẫn khách du lịch tham quan, tôi sẽ có những chuyến du lịch miễn phí để thưởng thức phong cảnh, mở mang tầm mắt. Thời đó, gia đình tôi nghèo, một chuyến du lịch là điều quá xa xỉ, chưa bao giờ bố mẹ tôi dám mơ tới.
Ước mơ ấy không chỉ xuất hiện trong những giấc ngủ, bay bổng, ngọt ngào, tôi đem cả ước mơ của mình vào những bài học trên lớp. Tôi hào hứng nghe cô giáo giảng bài trong các tiết Lịch sử, Địa lý, một môn học phần lớn học sinh đều không thích, nếu không muốn nói là ghét.
Giờ ra chơi, tôi có thể ngồi lỳ tại chỗ đọc sách giáo khoa về các môn xã hội hay các báo, tạp chí về du lịch mà không biết chán, trong khi bạn bè đang say sưa với các báo Hoa học trò, với truyện tranh. Tôi đã bị gọi là con bé “kỳ lạ” với sở thích như thế, nhưng không sao, tôi thấy vui và hạnh phúc với những kiến thức mà mình mới thu lượm được.
Khi hiểu biết thêm thông tin về văn hóa, con người, ẩm thực… của một địa danh nào đó, tôi thấy trong mình có thứ gì đó lâng lâng, tôi đã thèm, đã khao khát mình được đặt chân tới những nơi đó. Cuối năm lớp 11, chúng tôi rậm rịch chuẩn bị cho việc chọn khối thi, chọn ngành nghề và trường đại học.
Hầu hết bạn trong lớp đều theo khối A và thi kinh tế, thấy tôi có ý định chọn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của ĐH Hà Nội, mọi người đều ngạc nhiên và bất ngờ. Vốn tiếng Anh của tôi không giỏi, khả năng giao tiếp của tôi cũng không thực sự tốt, đặc biệt là với người lạ, làm sao tôi có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch.
Mọi người tò mò đặt câu hỏi và lo lắng cho tôi. Bố mẹ thì kịch liệt phản đối, mẹ chỉ mong tôi thi Sư phạm hay Kinh tế cho nhàn, mẹ cho rằng: “Con gái sau này lấy chồng, có con, thì gia đình là trên hết, sao có thể suốt ngày đi chỗ nọ chỗ kia được”. Bao nhiêu lý do mẹ đưa ra, lý do nào cũng đúng, nhưng vẫn không làm tôi thôi ý định theo đuổi ước mơ.
Cuối cùng, bố mẹ ra lệnh cấm. Một tuần liền, trong mân cơm chỉ thấy dáng vẻ lạnh nhạt của bố, cái thở dài của mẹ, cái lắc đầu của cô em và đôi mắt sưng húp của tôi dành cho việc thuyết phục bố mẹ. Không khí nặng nề bao trùm gia đình, tôi đã cảm thấy có lỗi, nhưng tôi không muốn từ bỏ ước mơ đó. Sau bao đêm nằm suy nghĩ, cuối cùng tôi đưa ra quyết định: Có thể ngày hôm nay tôi không giỏi về việc đó, nhưng tôi có tuổi trẻ, nếu tôi không thử sức thì không bao giờ biết hết năng lực của mình.
Nếu muốn theo đuổi ước mơ đó, tôi phải vạch ra kế hoạch cụ thể và cố gắng từng bước thực hiện, tôi tin nhất định sẽ làm được. Mục tiêu thứ nhất tôi phải thuyết phục bố mẹ ủng hộ. Để khiến bố mẹ không phản đối, ngăn cấm, tôi đã phải đồng ý vâng lời bố mẹ: “theo học khối A thi Sư phạm và chỉ coi khối D là thi dự phòng, việc học khối D không ảnh hưởng tới điểm thi các môn khối A”. Vẻ ngoài là vâng lời, nhưng trong lòng tôi muốn nhảy cẫng lên reo hò sung sướng. Tôi đã hoàn thành mục tiêu một, không quá khó khăn.
Mục tiêu thứ hai là tôi phải đỗ đại học. Đỗ đại học không chỉ là danh dự của gia đình, là mục tiêu của học sinh cuối cấp mà còn là cánh cửa giúp tôi bước gần hơn tới ước mơ. Những môn khối A với tôi không quá vất vả vì có nền tảng và năng khiếu tốt, nhưng tiếng Anh với tôi thật không dễ dàng gì. Việc lười học từ mới, cấu trúc, cộng với việc học chiếu cố khiến tôi mất gốc tiếng Anh, điểm kiểm tra môn học chỉ lẹt đẹt toàn 6.
Tôi biết nếu mình không cố gắng cải thiện, không bao giờ mình có thể đỗ được khối D. Nhưng còn một năm, một năm nếu tôi thưc sự cố gắng, một năm không bao giờ là ít. Tôi bắt đầu lao vào học. Không có điều kiện đi học thêm, cũng không có máy vi tính hỗ trợ, tôi bắt đầu học với sách giáo khoa, tài liệu của thầy cô.
Những buổi học trên lớp tôi luôn cố gắng tập trung nghe giảng, ghi chép đầy đủ để các môn phụ không chiếm thời gian học ở nhà. Giờ ra chơi, tôi mượn các sách tham khảo văn của bạn bè, tranh thủ đọc để nâng cao vốn từ và học các ý văn hay. Về nhà, tôi vùi đầu vào bàn học, tất cả công việc nhà, tôi nhờ mẹ và em gái làm hết.
Tôi đặt ra thời gian biểu cho mình, bắt đầu ngồi vào bàn học lúc 8 giờ tối, cố gắng học và hoàn thành các môn khối A trước một giờ đêm. Tôi thậm chí không dám lên giường đi ngủ, tôi sợ chiếc giường êm ái khiến tôi ngủ quên, bàn học, chiếc vỏ chăn mỏng, đồng hồ báo thức là thứ quan trọng, cần thiết. 4h sáng, tôi dậy và bắt đầu học tiếng Anh.
Những từ mới và cấu trúc, tôi học thuộc bằng cách viết đi viết lại trên giấy, sau đó ôn lại bằng cách viết lên giấy nhớ, dán ở những nơi dễ nhìn, hay đập vào mắt. Vì thế, góc học tập, nhà vệ sinh, bàn bếp, cửa sổ khắp nhà đầy những mảnh giấy nhỏ với chữ tiếng Anh xanh đỏ. Trong cặp sách của tôi luôn có từ điển và sổ tay để ghi nhớ.
Bố mẹ có phàn nàn vì tôi làm mất mỹ quan và bừa bộn nhà cửa, nhưng tôi kệ, đó là cách học tốt nhất với tôi. Tôi đã từ bỏ tivi, tạm gác việc đi chơi tụ tập bạn bè, không dám nghĩ tới những giấc ngủ trọn vẹn. Những trận ốm khiến tôi phờ phạc người. Có những hôm thức đêm khiến mắt tôi đỏ hoe như mắt cá rói.
Rồi cả độ cận tăng vùn vụt, nhưng điểm số môn học được cải thiện đáng kể, ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè, sự hài lòng của thầy cô, niềm tin tưởng của bố mẹ khiến tôi không cho phép mình nghỉ ngơi, là động lực cho tôi phấn đấu. Kết quả đã được đền bù xứng đáng, kỳ thi đại học tôi đã đỗ cả 2 trường. Mọi người đã tin tưởng và đồng ý cho tôi theo đuổi ước mơ của mình.
Mục tiêu thứ ba là tôi cải thiện tình trạng giao tiếp bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Cánh cổng đại học chào đón, tôi đã tưởng mình sắp chạm tay tới giấc mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Nhưng khi biết ngành học của mình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, tôi suýt ngã ngửa. Khả năng nghe của tôi là một số 0 tròn trĩnh, còn về nói, vì ít phát âm mà chỉ viết trên giấy nên tôi cũng chỉ nói bập bẹ.
Buổi học đầu tiên tôi suýt khóc vì cả lớp phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Khi mọi người nói, tôi nghe câu được câu chăng, và khi tới lượt mình nói, cách nói của tôi làm mọi người được một trận cười vỡ bụng. Tôi vừa khiếp sợ, vừa xấu hổ. Nhưng cô bạn ngồi cạnh đã bày cho tôi cách xin vào làm thêm tại một nhà hàng chuyên phục vụ cho khách nước ngoài để cải thiện tình trạng nghe nói, giao tiếp.
Tôi như mở cờ trong bụng, biết ơn cô bạn mới nhiều lắm, tìm được việc làm thêm đã khó, khi làm lại càng thấy vất vả hơn. Có những hôm tôi phải đảm nhiệm vai trò của một lễ tân, đứng mấy giờ liền trên đôi dép cao và bộ áo dài để tiếp đón và dẫn khách vào các bàn, dù rất đau chân và mệt mỏi, nhưng tôi không được thể hiện thái độ mà nét mặt lúc nào cũng phải tươi cười.
Có những hôm tôi làm nhân viên chạy bàn, vì không hiểu ý khách, tôi lấy nhầm món ăn cho khách, không những bị khách mắng, bị quản lý nhà hàng mắng, mà tiền lương vất vả làm tôi cũng bị trừ hết. Rồi đêm về, đôi bàn chân nhức mỏi, phồng rộp nhưng tôi không dám kêu than. Công việc làm thêm mệt nhọc, chiếm nhiều thời gian nhưng đã cho tôi nhiều trải nghiệm giao tiếp, ứng xử và phục vụ trong ngành dịch vụ.
Không chỉ cải thiện về tình trạng giao tiếp, không chỉ thấu hiểu nỗi vất vả cực nhọc của mỗi ngành nghề, tôi còn có thêm những người bạn mới trong và ngoài nước, có thêm những mối quan hệ mới trong ngành nghề. Sắp ra trường, tôi sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần nữa để thực hiện ước mơ.
Con đường tôi đi còn nhiều vất vả hơn thế, tôi vẫn đang vạch ra những mục tiêu nhỏ cho mình và cố gắng từng bước một nhưng tôi tin cuộc sống này luôn công bằng, những gì mình bỏ ra sẽ được đền đáp xứng đáng. Dù chưa thực sự thành công, nhưng tôi tin vào bí quyết của mình: “Chia mục tiêu lớn ra thành mục tiêu nhỏ, đặt mục tiêu càng rõ ràng và cụ thể bao nhiêu càng dễ thực hiện và đạt được bấy nhiêu”. Tôi có tuổi trẻ, tôi không ngại mơ ước.
Diệu Huyền [VnExpress]