“7 ngày học tiếng Anh sử dụng trong môi trường nghệ thuật” – dự án cộng tác giáo dục nghệ thuật của “Ga 0” với nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm thực hiện từ 12-19.6 tại “Ga 0” (cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa P.8, Q.3, TPHCM).
Liệu trong 7 ngày, tiếng Anh của nghệ sĩ Việt có thể đựơc cải thiện hay không, cải thiện tới đâu? Trả lời câu hỏi này, nghệ sĩ Nguyễn Như Huy – phụ trách “Ga 0”, người tổ chức dự án – cho biết: “Có dịp làm việc nhiều nơi trong khu vực và trên thế giới, gặp gỡ với nhiều nghệ sĩ đương đại ở các nước có hoàn cảnh kinh tế văn hoá tương tự với VN, một nhận xét tự đến với tôi, là việc có một khoảng cách giữa các nghệ sĩ trẻ VN và nghệ sĩ trẻ ở một số nước đó.
Khoảng cách này không phải là về độ đam mê nghề nghiệp. Thật ra, nhìn một cách nào đó, tôi không cho là các nghệ sĩ trẻ VN có độ đam mê nghề nghiệp kém so với các nghê sĩ trẻ khu vực, nếu không muốn nói là còn hơn. Bản thân tôi gặp, làm việc với nhiều nghệ sĩ trẻ VN sẵn sàng bỏ các cơ hội có một cuộc sống ổn định và theo đuổi một đời sống bấp bênh hơn nhiều, chỉ để có cơ hội duy trì nghề nghiệp là nghệ sĩ… Nhưng cái khoảng cách mà tôi muốn nói đến ở đây là khoảng cách về tâm lý, về giao tiếp, về khả năng truyền thông, tức khả năng làm cho người khác hiểu mình, khả năng trình bày được về bản thân, khả năng hoà nhập hay hội nhập vào các cộng đồng khác với mình, của các nghệ sĩ Việt.
Người ta có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cho khoảng cách này. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác, tưởng như đơn sơ, ít ai để ý, mà theo tôi lại rất quan trọng. Đó là khả năng giao tiếp tiếng Anh. Rõ ràng là khả năng giao tiếp tiếng Anh (hay ngoại ngữ khác) của phần đông các nghệ sĩ trẻ VN là đáng lo ngại, nếu so với các nghệ sĩ trong khu vực như là Malaysia, Indonesia, hay thậm chí Myanmar, chứ chưa nói đến các nước khác như Singapore hay Philippines.
Chưa bao giờ thông tin từ các quỹ tài trợ, các chương trình nhiệm trú nghệ thuật từ khắp thế giới, các cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ từ khắp thế giới lại công khai như bây giờ, trên Internet. Nói tóm lại, chưa bao giờ cơ hội để sống một cuộc sống nghệ thuật độc lập ở tầm, ít ra là khu vực, lại mở ra rộng rãi như thế cho các nghệ sĩ trẻ VN. Để có thể tận dụng được các cơ hội này, theo tôi, ít nhất, các nghệ sĩ trẻ VN cần phải biết ngoại ngữ “cơ bản” – là tiếng Anh.
Bởi cũng là một nghệ sĩ thực hành, tôi rất hiểu sự khó khăn của các nghệ sĩ trong việc học tiếng Anh. Chính đặc thù nghề nghiệp của các nghệ sĩ (sinh hoạt đêm hôm, rượu chè, hội hè, làm việc dựa theo cảm tính), sẽ tạo ra các lực cản cho việc học ngoại ngữ – một việc mà ai từng trải qua đều biết rất nhàm chán. Hơn nữa, phần lớn các giáo trình dạy ngoại ngữ chỉ tập trung vào nhu cầu giao tiếp bình thường, có tính đại chúng, chứ không tập trung chuyên biệt vào góc độ nghệ dụng của các nghệ sĩ.
Chính điều này cũng làm cho các nghệ sĩ mất dần sự kiên nhẫn khi phải học ngoại ngữ. Từ thực tế trên, chúng tôi quyết định thử nghiệm việc dạy tiếng Anh theo những khóa có tính chuyên sâu, tập trung dành cho các nghệ sĩ trẻ là chủ yếu, hay cho những người cần thiết sử dụng tiếng Anh trong công việc khảo sát nghệ thuật đương đại. Chúng tôi tin vào dự án của mình có thể trợ giúp phần nào cho các nghệ sĩ trẻ trong việc học tiếng Anh”.
laodong.com.vn