Hãy tìm mọi cách để rút ngắn thời gian học vì thời gian là thứ quý báu nhất bạn có. Hãy luôn luôn mong muốn tìm ra cách thức, và sẵn sàng vứt bỏ những cách thức vốn đã chưa từng dẫn mình đến đâu. Luyện nghe tiếng anh cũng là một tiến trình học Anh ngữ, đừng lầm tưởng nó là tiến trình độc lập. Nghe mà học được mới là quý, còn nghe mà chỉ đoán, không chú tâm chỉ làm mất thời gian của bạn mà thôi. Hãy tìm hiểu phương pháp “luyện nghe chủ động” mới này.
Phương pháp “Luyện nghe chủ động”
Trước tiên, chúng ta hãy nhìn nhận lại việc luyện nghe cũng là một tiến trình học, khổ luyện tiếng Anh. Nó không phải là một kỹ năng độc lập cần phải được tách riêng rẽ khỏi quá trình khổ luyện này. Nhiều người tin rằng, luyện nghe là quá trình “chỉ nghe” (như phương pháp nghe thụ động chẳng hạn), nghe mà không cần hiểu, nghe rồi đoán, nghe mà không cần lắng nghe… Nếu bạn có nhiều thời gian, học mà không cần nhanh giỏi, giỏi cũng được, mà không giỏi cũng không sao… thì cứ việc làm theo cách này.
Nghe chủ động là một phương pháp học tiếng Anh trên cơ sở sự “hiểu biết” và “có” được đặt lên hàng đầu. Nghe là để tập nói theo cho đúng giọng, hiểu những gì mình nghe, mỗi khi nghe phải chắc như đinh đóng cột rằng câu từ đó là nghĩa đó, được phát âm theo cách đó. Vì thế trước khi nghe, hãy chọn lọc những câu từ chưa biết, chưa hiểu mà tra cứu cho rõ, sau đó vừa nghe vừa nhìn tài liệu đọc theo, đọc cho nhuần nhuyễn, thuần thục. Khi bạn bỏ tài liệu ra mà có thể đọc theo đúng theo nhịp điệu, chất giọng trong băng đĩa và hiểu rõ ngọn ngành, từng câu từ một là bạn đã luyện xong 1 bài.
Nhiều người cứ theo lời khuyên “nghe mà không cần hiểu”, lấy ra một bài luyện nghe 200 từ, trong đó có đến 150 từ chưa từng nghe qua hay biết đến, rồi vừa nghe vừa đoán, đoán mãi vẫn không hiểu mà vẫn đoán và ngồi luyện. Chỉ tính việc này thôi thì cũng mất rất nhiều thời gian rồi.
Nếu sử dụng một tài liệu có nhiều từ mới, hãy tra cứu cho hiểu cặn kẽ trước khi bắt đầu nghe. Khi bạn nghe, nhìn tài liệu tập theo cho đến khi đúng âm, đúng giọng và thuộc cho đến “có” từ này luôn trong đầu, nghĩa là muốn lấy từ này ra lúc nào cũng được mà không cần nhìn lại sách, thì nếu từ này xuất hiện trong bất kỳ tài liệu nào sau này, bạn cũng đều nghe được cả. Cứ tiếp tục như thế, bài thứ hai, thứ ba trở đi, từ mới xuất hiện ít dần (vì bạn đã có chúng rồi) và vốn từ vựng của bạn sẽ tăng vùn vụt. Khi vốn từ vựng tăng, bạn đã tập nói đúng giọng thì tất nhiên sẽ nghe được mà không cần phải ngồi luyện nữa.
Khi một người có nhiều từ vựng rồi nhưng do cách phát âm quá khác giọng chuẩn bản xứ nên không nghe được dù là câu từ mình đã biết, thì cứ ngồi luyện nghe tiếng anh thụ động. Vì xét cho cùng, họ đâu cần học, đâu cần có nữa mà chỉ cần luyện nghe. Nhưng việc luyện nghe mà không tập theo thì đến một lúc nào đó ngưng nghe, họ cũng quay về chất giọng sai vốn có của mình rồi trở nên xa lạ với giọng chuẩn. Khi hai giọng quá khác biệt với nhau, họ lại e dè, không chắc chắn, rồi đâm ra ngại ngùng trong giao tiếp, không tự tin khi nghe.
Vì thế, nếu vốn từ của bạn quá ít ỏi, mà đa phần là vốn từ của bạn chưa sẵn sàng, chưa nhớ được ngay tức khắc khi bạn cần đến, thì bạn hãy thực hành luyện nghe theo phương pháp “nghe chủ động”. Đây là phương cách duy nhất giúp bạn rút ngắn thời gian và luôn sẵn sàng cho thành công của bạn trong tiếng Anh. Hơn nữa, nó giúp bạn chắc chắn hoàn toàn cho những câu từ mình đã luyện, và càng ngày vốn từ càng tăng lên rõ rệt. Khi vốn từ ngày càng nhiều, nghe là nhận ra ngay, muốn nói là sẵn có thì bạn có thể giỏi tiếng Anh.
Sưu Tầm