Lỗi thường gặp khiến bạn không thể nghe tiếng Anh

Cố tập trung vào từng từ khi nghe không giúp bạn cải thiện kỹ năng mà ngược lại khiến bạn không nắm được ý tưởng người nói cần truyền đạt.

Cô giáo tiếng Anh Moon Nguyen chia sẻ những thói quen nghe tiếng Anh sai và cách sửa lỗi.

Khi ở Mỹ, mình từng có một part-time job là lễ tân cho viện dưỡng lão (nursing home), chuyên nhận điện thoại của khách hàng. Hồi mới nhận việc, thực sự mình rất sợ không hiểu khách nói gì qua điện thoại, rồi lỡ bảo họ nhắc lại mà vẫn không hiểu thì biết làm sao? Mình đã rất lo lắng nên lao vào nghe suốt ngày, lúc nào cũng ám ảnh với việc nghe tiếng Anh.

Trước khi chia sẻ cách nghe đúng, mình muốn chia sẻ những cách nghe sai mà ngày xưa mình mắc phải. Bạn hãy xem mình có cùng lỗi khi nghe tiếng Anh giống Moon không nhé:

1. Nghe dồn dập trong vài ngày rồi nghỉ.

2. Khi cảm giác bản thân phải cố đuổi theo mà không kịp, cố nghe từng câu một rồi dịch ra tiếng Việt.

nghe truoc

3. Khi nghe bị mất tập trung, nghe một đoạn dài là thấy hoa mắt chóng mặt, lỗ tai lùng bùng, không thể hiểu được gì nữa, thậm chí đôi khi nghe rõ từng từ nhưng vẫn chả hiểu gì.

4. Nghe bằng cách bật từng câu, nghe đi nghe lại. Cố gắng nghe được từng từ một. Nếu không nghe được là thấy ngứa ngáy khó chịu, lập tức mở đáp án ra xem từ đó là gì.

Nếu muốn nghe tốt, đầu tiên, bạn nên bỏ các thói quen nghe tiếng Anh như ở trên. Thay vào đó, hãy luyện tập các thói quen tốt:

1. Nghe tiếng Anh cần đều đặn, như đánh răng buổi sáng. Mỗi ngày nghe nửa tiếng sẽ tốt hơn là cuối tuần nghe cả ngày.

2. Tốc độ nói tự nhiên của người bản xứ sẽ không cho phép bạn dịch ra tiếng Việt. Phản xạ dịch thường xuất hiện khi bạn ít tiếp xúc với tiếng Anh, bạn cần tập luyện đều đặn hơn.

3. Hãy “take notes” khi nghe để giữ được sự tập trung cần thiết. Bởi nếu chủ đề không hấp dẫn (bạn nghe mà thực sự không muốn biết cần nghe để làm gì), bài quá dài và nhanh, bạn sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn.

4. Vấn đề quan trọng cần thay đổi, đó là muốn nghe rõ từng từ một, và bạn tin rằng, nếu lỡ mất một hai từ thì sẽ không nghe hiểu được. Đây là tâm lý khá cầu toàn, giống mình ngày trước.

Chúng mình cứ tưởng tượng xem nhé, nếu sau này mình đi giao tiếp với đối tác nước ngoài, liệu người ta có “bật băng” lại cho mình nghe khoảng 2-4 lần không? Cứ nói một câu tua lại một lần? Chắc chắn là không. Hay lúc đi thi TOEFL hay IELTS, người ta cũng chỉ bật băng một lần, nghe không được thì đành chịu.

Thế nên, phải xác định ngay cái mục tiêu nghe từ ban đầu, là nghe làm sao để sau này nghe cái gì cũng chỉ cần một lần là hiểu ngay ý tưởng.

Thực tế khi giao tiếp là như thế này, bạn thực sự không cần nghe rõ từng từ để hiểu người ta nói gì. Điều này tương tự khi bạn nói tiếng Anh, người Tây cũng sẽ chỉ tập trung vào những từ họ nghe bạn nói rõ nhất để hiểu, phần lớn thời gian họ cũng sẽ không căng tai lên nghe từng từ một.

Đó là lý do vì sao mà nhiều bạn nói tiếng Anh đều đều, từ nào cũng nhấn, người nước ngoài nghe thấy mệt vì toàn bị mất tập trung vào toàn bộ các từ được nhấn. Y như trong thiết kế poster vậy, nếu không có cái chính cái phụ, thì rất khó nhìn ra nội dung chính.

Ví dụ nhé, họ nói “I’m going to the mall tomorrow to buy some Christmas gifts”. Nếu bạn không nghe thấy từ “going to” hoặc từ “to” hoặc “some” thì cũng không có gì quá nghiêm trọng, bạn vẫn hiểu ý tưởng người nói. Nếu bạn không nghe được các từ quan trọng như “mall” hay “gifts” thì bạn có thể tiếp tục nghe những câu tiếp theo để hiểu ý tưởng của bài.

Moon Nguyen