Trẻ em vốn thích xem truyện tranh và phim, trong đó có cả những truyện phim nước ngoài. Nếu không có phiên bản tiếng Việt thì bố mẹ sẽ là thông dịch viên tốt nhất mà chúng nhờ đến.
Kể bằng ngôn ngữ quen thuộc
Chị Hoàng Thị Phương (Q.3, TP.HCM) kể, đứa con gái nhỏ được bác gửi tặng quyển truyện tranh Alice in wonderland (Alice lạc vào xứ sở thần tiên). Giấy in và hình ảnh rất đẹp, nhưng chỉ tội toàn tiếng Anh mà cháu chưa đủ khả năng để hiểu. Vậy là chị phải đóng vai trò thông dịch viên cho con. Vài trang đầu, chị dịch theo kiểu “có sao nói vậy”, những câu chữ tiếng Anh thể bị động cũng dịch nguyên văn. Thậm chí, khi chú thỏ lôi chiếc đồng hồ trong túi ra và nói: “Oh dear! Oh dear! I shall be late”, chị cũng dịch đơn thuần: “Ôi trời! Ôi trời! Tôi sẽ bị trễ”. Đứa trẻ lãng đi rồi chơi trò khác. Chị hỏi: “Con không thích truyện này à?”. Con gái bảo: “Con nghe chán quá!”. Vậy là chị hiểu ra mình dịch quá khô cứng. Rút kinh nghiệm, lần sau, chị dịch lại bằng giọng hài hước: “Trời ơi, trễ rồi”. Đứa trẻ tỏ ra khoái chí vì thường nghe câu này mỗi khi đi học trễ. Và cứ thế con chị lắng nghe cho đến hết truyện.
Theo dịch giả trẻ Uông Xuân Vy, dịch truyện cho con là một cách tốt để học tiếng Anh đồng thời gia đình cũng gần gũi nhau hơn. Tuy nhiên, trước khi dịch, bạn nên nhìn lướt qua các hình ảnh xem có phù hợp cho con mình hay không. Ngoài những truyện tranh về thú vật, còn nhiều truyện trinh thám, viễn tưởng và cả những truyện tranh dành cho người lớn đang xâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, ngôn ngữ trẻ em mỗi nước đều khác nhau, chẳng hạn trong các truyện tranh hình sự tiếng Anh, tiếng súng là “Pow pow” (Pằng pằng), nhưng trẻ em Việt Nam lại hay chơi trận giả với tiếng súng là “đùng đùng đoàng đoàng”. Cha mẹ nên linh động dịch cho hấp dẫn và phù hợp văn phong tiếng Việt. Trong trường hợp khó xác định nhân vật chính diện và phản diện, bạn có thể lật đến trang cuối để xem chiến thắng hay vinh quang thuộc về ai. Vì hầu hết các truyện trẻ em, đoạn cuối luôn luôn là cái thiện thắng cái ác. Và từ đó, bạn có thể sử dụng đại từ danh xưng cho phù hợp như: ta, ngươi, hắn, chàng, nàng…
Lắng nghe những từ ngữ chính
Không chỉ mê truyện tranh, trẻ em còn rất thích phim hoạt hình, nhất là những bộ phim chiếu trên các kênh truyền hình cáp. Nhưng không phải kênh phim nào cũng có phụ đề tiếng Việt. Anh Nguyễn Quang Hưng (Q.8, TP.HCM) thường cho đứa con trai 5 tuổi xem các kênh này. Một lần con trai anh xem bộ phim Bạch tuyết và bảy chú lùn vui nhộn nhưng không có phụ đề. Đứa con cứ thắc mắc, sao bà hoàng hậu giận dữ, sao Bạch Tuyết lại khóc… Ban đầu anh giải thích theo kiến thức mình biết về câu chuyện này. Nhưng đến khi đứa con hỏi Bạch Tuyết nói gì mà các chú lùn chạy đến… Buộc anh phải lắng nghe các lời đối thoại trong phim và diễn đại lại cho con. Ban đầu, anh nghe được các câu ngắn, rồi dần dần nghe được cả những câu dài.
Anh Phạm Mạnh Tuấn, một DJ tại TP.HCM, từng học tiếng Anh qua phim ảnh, chia sẻ: “Do phải dịch ngay khi cảnh vừa xuất hiện hoặc dịch thoát ý khi cảnh vừa hết nên trong các đoạn đối thoại dài, bạn nên chú ý đến những từ chính. Chẳng hạn: “He’s on the way back, I’ll wait here”. Nhân vật sẽ nói nhấn mạnh những chủ ngữ, vị ngữ và động từ, còn các thì hay trạng từ sẽ được đọc nuốt. Nên bạn chỉ cần nghe những chữ chính: “He back, I wait”, phần còn lại nhìn tình huống trong phim, bạn sẽ hiểu ngay “Anh ta đang quay lại, tôi sẽ đợi”.
Một số từ lóng trong phim ảnh thường dùng Abal: Từ này xuất hiện tại Bangladesh, dùng để chỉ những gã ngớ ngẩn hoặc vô dụng, ví dụ: “You can’t even open a mail account? what a abal” you are” (Mày không tạo nổi một tài khoản email sao? Đúng là “thằng khờ”). Chaarvee: Dùng để khen ngợi một ai đó, ví dụ: “Wow! I met this cool girl in class today, what a Chaarvee!” (Chà, tôi mới gặp cô nàng này trong lớp, đúng là một cô gái tuyệt). Earlate: kết hợp hai từ early và late, chỉ khoảng thời gian hết đêm và lúc mặt trời mọc, từ 4 – 7 giờ sáng, ví dụ: “I looked at the clock, it was 5 a.m, it sure is earlate” (Tôi nhìn đồng hồ thấy 5 giờ sáng, vẫn còn sớm). Fablin’: dùng để chỉ một người hay bịa đặt, hoặc nói quá sự việc lên, ví dụ: “Why are you always fablin’? I can’t believe anything you say” (Sao anh toàn bịa đặt? Tôi không thể tin những gì anh nói nữa). Much love for you: Được dùng thể hiện sự yêu quý người ngoài như trong gia đình, bất kể nam hay nữ, và không dùng trong thổ lộ tình yêu, ví dụ: “You know you’re my boy/girl and I have much love for you” (Em biết không, em như em gái anh và anh rất yêu quý em), hoặc các “chiến hữu” với nhau: “Much love for you, brother” (rất yêu quý anh). Nguồn: urbandictionary.com |
Trao đổi kinh nghiệm “Black and white” không chỉ có nghĩa đen và trắng Mỗi khi gặp “black and white”, nhiều người thường hiểu là hai màu sắc: đen và trắng như “white man” (người da trắng) và “black man” (người da đen). Nhưng trong tiếng Anh, hai chữ này còn được hiểu theo nghĩa “xấu” và “tốt”. Chẳng hạn “black lie and white lie”: Nói dối có hại và nói dối vô hại; “Black list and white list”: Danh sách loại và danh sách ưu tiên; “Black hat hacker”: Những người xâm nhập vào hệ thống để gây hại; “White hat hacker”: những người đi tìm những lỗ hổng bảo mật của hệ thống để giúp cải thiện nó. Phần lớn “black” và “white” thường dùng trước những từ mang tính tiêu cực để phân biệt bên cạnh mặt xấu còn có mặt tốt của hành động đó. Dịch giả Uông Xuân Vy Dịch sát thực tế Người Anh thường dùng những từ ngữ có tính tổng quá hóa, chẳng hạn những gì trên trung bình được gọi là good, trên mức khá gọi là best. Chẳng hạn “Good money” không phải là “tiền tốt” mà là “tiền nhiều”. Hoặc những gì dưới trung bình được gọi là bad, dưới xấu gọi là worst. Chẳng hạn “bad mosquito” không phải là “muỗi xấu”, mà là “muỗi nhiều”. Cho nên khi bạn gặp các trường hợp này, bạn cần dịch theo thực tế. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý khi dịch các thể bị động cho phù hợp. Chẳng hạn “the mouse was eated by cat” (con chuột bị ăn bởi con mèo), nhưng nếu muốn dịch thể bị động trong tiếng Việt, bạn phải nói là “con chuột bị con mèo ăn” hoặc dịch “con mèo ăn con chuột”. Giáo sư Tôn Thất Lan Xem nhiều lần Bạn hãy lấy một đĩa phim tiếng Anh mà mình thích, xem hết một lần không phụ đề, lúc này bạn chỉ nghe được những câu ngắn, và lờ mờ những câu dài. Lần thứ hai, bạn xem với phụ đề tiếng Anh để kiểm tra những từ mình nghe đúng bao nhiêu phần trăm, và những câu còn lại là gì. Đến lần cuối bạn tắt phụ đề để nghe một lần nữa, lúc này bạn đã có thể nghe gần hết các câu đối thoại. Nguyễn Hoàng Hùng (Chủ nhiệm CLB Anh ngữ NVH Thanh niên)
|
Hạ Mi
Thanh Niên Online