Chắc các bạn sẽ khó hiểu cảm giác của người nói tiếng Anh mẹ đẻ trong thời buổi hội nhập này. Còn tôi sẽ khó giải thích.
Điều đầu tiên nên nói là chúng tôi (những người nói tiếng Anh mẹ đẻ) đi đâu cũng nghe người sử dụng ngôn ngữ của mình. Quán cà-phê ở Việt Nam, sân bay ở Nigeria, thư viện ở Ấn Độ…tiếng Anh phổ biến thật. Các bạn sẽ không biết cảm giác khi cả thế giới chọn ngôn ngữ của mình làm ngôn ngữ “quốc tế”. Điều đó sẽ không xảy ra với ngôn ngữ của các bạn. Nhân viên người Afghanistan muốn làm ở khách sạn 5 sao tại thủ đô Kabul sẽ không cần phải học tiếng Việt.
Nhưng người Afghanistan đó cần phải học tiếng Anh.
Khi nghe người nước ngoài nói tiếng Anh, tôi có cảm giác như họ đang “mượn” ngôn ngữ của tôi. (Khi nói người nước ngoài, ý tôi là những người dùng tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ.) Trong quan hệ giữa người mượn và người cho thì người mượn luôn sẽ là người ngại nhất. “Người mượn” có thể làm mất điều đã mượn, có thể làm hỏng. Người nước ngoài dùng tiếng Anh có thể nói sai.
Chúng tôi không ngại. Nếu có sự hiểu nhầm xảy ra do “nói sai” hay “nghe chưa chuẩn” thì sẽ thuộc bên kia. Chúng tôi có thể nói không rõ ý, nói vớ vẩn, lẩm bẩm như cụ già. Nhưng những câu không rõ ý, vớ vẩn hoặc lẩm bẩm đó sẽ vẫn giữ một cái chuẩn nhất định – vì tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ.
Thậm chí tôi gặp một ông Scotland không hiểu ông ấy đang nói gì ông ấy cũng không cảm thấy ngại. Ông ấy tự tin về cái chuẩn của Glasgow còn tôi tự tin về cái chuẩn của Vancouver. Chỉ khác nhau thôi, không ai sai. Nhưng tôi gặp một ông Việt Nam không hiểu ông ấy đang nói gì thì rất có thể ông ấy sẽ cảm thấy ngại. Bỏ yếu tố “mẹ đẻ” ra khỏi phương trình thì bắt đầu có cái “sai”. Ông ấy “sai”. Khó giải thích.
Chính vì điều khó nói đó nên chúng tôi, là những người nói tiếng Anh mẹ đẻ, hơi kiêu. Không kiêu làm sao được khi cả thế giới đang thi nhau học ngôn ngữ của mình, ngôn ngữ mình đã biết từ lúc nào không nhớ.
Mà càng đi nhiều càng kiêu.
Ví dụ, tôi là khách du lịch đi ăn ở nhà hàng tại Hà Nội. Tôi gọi Ham Pizza (jambon) rất rõ ràng bằng tiếng Anh nhưng nhân viên lại mang ra Beef Pizza (bò). Tôi sẽ nghĩ tôi có quyền bực mình. (Tôi nói rõ thế cơ mà.) Còn nhân viên ấy sẽ tỏ ra ngại, khẳng định thêm sự bực mình của tôi.
Nhìn lại trường hợp trên. Tôi là khách du lịch đang ở Việt Nam. Tôi đang ăn ở nhà hàng tại Hà Nội. Với tôi, gọi món bằng tiếng Anh không phải nỗ lực gì. Cậu nhân viên ấy đã cố gắng học ngôn ngữ của tôi để phục vụ tôi tốt hơn. Không biết cậu ấy đã mất bao nhiêu đêm ngồi đọc lại quyển sách tiếng Anh đã học, tập nói một mình trước gương. Cậu ấy đã hết sức cố gắng để tôi sẽ không vất vả. Tôi đã không nỗ lực gì hết. Còn tôi là người bực mình và cậu ấy là người ngại.
Vậy “kiêu” là một phần của cảm giác tôi đang muốn mô tả.
Ở Việt Nam độ kiêu của chúng tôi tăng lên rất nhanh. Ở Trung Quốc hoặc Nhật Bản người phục vụ ở nhà hàng hay chào khách Tây bằng tiếng Trung, tiếng Nhật, khách phải gọi món bằng ngôn ngữ của nơi đang ở. Vậy chúng tôi bỗng trở thành “người mượn”, độ kiêu bớt đi chút (ít nhất cho đến khi về khách sạn).
Việt Nam thì khác. Kể cả khách Tây cố gắng hết sức để gọi món bằng tiếng Việt bập bẹ nhưng nhân viên phục vụ vẫn cứ trả lời bằng tiếng Anh (đôi khi còn bập bẹ hơn). Tỷ lệ người nước ngoài sống ở Việt Nam và biết tiếng Việt rất thấp không phải chỉ do tiếng Việt khó; một phần cũng là do nhiều người Việt Nam “không cho học”. Người Tây sống ở Việt Nam nào cũng hiểu câu đó.
Một người Tây khó có thể sống ở Nhật 10 năm mà chỉ biết mỗi từ “Arigato”. Tuy nhiên, một người Tây dễ có thể sống ở Việt Nam 20 năm mà chỉ biết mỗi từ “cảm ơn” Chuyện có thật. Tôi biết vài người như thế. Họ sống nhờ sự kết hợp của tính hiếu khách (tốt!) và tính sính ngoại (không tốt!) của người Việt.
Nhưng mức độ cao hay thấp, chúng tôi đi đâu cũng cảm thấy “hơi kiêu”.
Chắc có nhiều người Việt Nam nghĩ rằng người nói tiếng Anh mẹ đẻ đang rất may mắn (“được kiêu” như vậy là may mắn quá rồi còn gì!) Tôi nói thật. Tôi nghĩ các bạn may mắn hơn.
Thứ nhất, kiêu căng là cảm giác có hai mặt. Có mặt tự hảo, nhưng cũng có mặt “không ổn”. Bản thân tôi không thích đi nước khác mà có người chào tôi bằng tiếng Anh. Tôi cảm thấy hơi đau bụng một cách khó diễn đạt bằng lời.
Thứ hai, đang có rất nhiều người “mượn” ngôn ngữ của chúng tôi. Hầu như cả thế giới đang học tiếng Anh. Suy ra tiếng Anh là của chung. Nói cách khác, tiếng Anh không còn là của mình.
Với các bạn, tiếng Việt là cái đặc trưng, là điều kết nối cả xã hội Việt Nam. Ngôn ngữ và văn hóa của các bạn đang ôm nhau rất chặt. Các bạn nói tiếng mẹ đẻ với nhau ở nước ngoài sẽ không sợ bị người dân xung quanh nghe trộm. (Còn chúng tôi phải luôn cẩn thận.)
Tôi nói các bạn sẽ không bao giờ biết cảm giác khi tiếng mẹ đẻ là tiếng quốc tế. Tuy nhiên tôi sẽ không bao giờ biết cảm giác khi tiếng mẹ đẻ là “tiếng riêng”. Tôi chỉ có thể đoán rằng đó là cảm giác thú vị.
Với các bạn, tiếng mẹ đẻ gắn liền với nơi mẹ đẻ.
Joe