Rà soát năng lực của đội ngũ giảng viên ngoại ngữ

(PL&XH) – Từ tháng 11-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tổ chức rà soát trình độ năng lực của đội ngũ giảng viên ngoại ngữ (trước mắt là giảng viên dạy tiếng Anh).

Đây là nội dung quan trọng trong hướng dẫn thực hiện kế hoạch triển khai đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 trong các cơ sở giáo dục ĐH mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Giảng viên ngoại ngữ sẽ là nòng cốt của các cơ sở giáo dục ĐH.

Sẽ hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh

Theo Bộ GD&ĐT, ngày 30-9-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020). Trên cơ sở Đề án này, Bộ GD&ĐT đã ban hành “Kế hoạch triển khai Đề án ngoại ngữ 2020 trong các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2008-2020” để triển khai từ năm học 2011-2012.

Bắt đầu từ tháng 11-2012, Bộ sẽ tổ chức rà soát trình độ năng lực của đội ngũ giảng viên ngoại ngữ (trước mắt là giảng viên dạy tiếng Anh. Trên cơ sở kết quả khảo sát này, các đơn vị xây dựng và triển khai việc quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tiếng Anh đảm bảo đạt chuẩn năng lực theo quy định.

Để đảm bảo cho sinh viên ĐH, CĐ không chuyên ngữ sau tốt nghiệp có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (tương đương với trình độ B1 theo Khung tham chiếu châu Âu), các trường cần xây dựng và triển khai chương trình dạy tiếng Anh tăng cường cho sinh viên.

Bộ GD&ĐT cũng cho hay, sẽ hỗ trợ kinh phí cho các trường ĐH để bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 3 tháng) và dài hạn (từ 6 tháng – 1 năm) ở nước ngoài đội ngũ giảng viên tiếng Anh cốt cán. Các trường lập danh sách cử giảng viên tiếng Anh cốt cán đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài theo lộ trình từ năm 2013-2015, mỗi năm 1 người.

Đồng thời, Bộ cũng hỗ trợ thành lập các Trung tâm ngoại ngữ xuất sắc (trước mắt tại ĐH Thái Nguyên, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm TP HCM) nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ, đổi mới thi kiểm tra và đánh giá.

Giảng viên ngoại ngữ sẽ là nòng cốt của các cơ sở giáo dục ĐH.

Các ĐH, CĐ phải tăng cường đào tạo ngoại ngữ

Trước đó, tại Thông báo số 337/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đối với Bộ GD&ĐT đã yêu cầu: Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh tiến độ triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Bởi Đề án bắt đầu triển khai từ năm 2011. Tuy nhiên, Đề án chưa được triển khai đúng tiến độ quy định, nguyên nhân chủ yếu do việc bố trí kinh phí còn chậm; chưa triển khai đối với khối dạy nghề, giáo dục chuyên nghiệp, CĐ và ĐH. Việc phối hợp của Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản của Đề án với các Bộ, ngành còn hạn chế.

Theo mục tiêu của Đề án, năm học 2012-2013, sinh viên tốt nghiệp các trường CĐ chuyên ngữ tiếng Anh phải đạt trình độ năng lực tiếng Anh bậc 4 và sinh viên ĐH chuyên ngữ tiếng Anh phải đạt bậc 5 để được cấp bằng tốt nghiệp. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường có kế hoạch triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ để đạt được các chuẩn đầu ra nói trên.