Cả bản người Mông nói tiếng Anh như gió

Họ là những người con của dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá có khi mới “phổ cập” hết lớp 5, nhưng giao tiếp bằng tiếng Anh thì chuẩn đến không ngờ.

Cháu nói được 3 thứ tiếng!

Đầu mùa thu, phố núi Sa Pa (Lào Cai) bắt đầu trở lạnh. Vàng Thị Mai, nhà ở Tả Phìn, thú thật rằng em không biết mình bao nhiêu tuổi.

Những sơn nữ “tay bo” nói chuyện với người nước ngoài.
Những tiểu thương này đương nhiên phải biết nói tiếng Anh để bán đồ lưu niệm

Chỉ sang một thanh niên đang dẫn nhóm du khách Hàn Quốc đi xuống bản Cát Cát, Mai cho biết: “Thằng đấy mới là hướng dẫn viên, cháu chỉ đi bán đồ lưu niệm. Nếu những điểm nào người Kinh không biết, cháu mới đưa khách du lịch đi tham quan tiếp”.

Những món đồ thổ cẩm, vòng bạc được Mai mời chào khách du lịch nước ngoài bằng vốn tiếng Anh trôi chảy. Đặng Tiến, hướng dẫn viên du lịch mà Mai chỉ cho biết, nhiều sinh viên vừa ra trường nói tiếng Anh còn thua xa những hướng dẫn viên bản địa ở đây.

Không biết từ bao giờ, người lớn, trẻ em ở Sa Pa nói tiếng Anh lưu loát, mặc dù theo Tiến, đó là thứ tiếng anh “bồi”.

Cô bé Mai nói rằng, cũng không biết mình nói được tiếng Anh từ bao giờ. Nhưng em rời Tả Phìn lên Sa Pa bán đồ lưu niệm từ nhỏ, rồi học nói tiếng Anh, và giờ đây thì giao tiếp “kiểu gì cũng được”. “Cháu nói được tiếng Anh, tiếng Kinh và đương nhiên là cả tiếng dân tộc Mông của cháu nữa”, Mai tự hào khoe.

Điều đặc biệt của trung tâm du lịch miền Bắc Sa Pa là ngoài những hướng dẫn viên du lịch được đào tạo bài bản, thì ở trung tâm phố thị giữa núi rừng này, từ lâu người ta cũng công nhận những sơn nữ đến từ các bản làng là đội ngũ hướng dẫn viên bản địa không thể thiếu.

Ai cũng thừa nhận, từ đứa trẻ con, đến những người lớn tuổi, hầu hết đều nói và giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Sùng Thị Lềnh, một người của xã miền núi Tả Van cho biết, người Mông nói tiếng Anh tốt hơn người Giáy, người Dao, nên họ được khách nước ngoài yêu quý lắm.

Chúng tôi gặp Sùng Thị Hoa, cô gái dân tộc Mông có gương mặt xinh tươi đến lạ, đang dẫn khách về Tả Phìn với nụ cười tươi như đoá lan rừng.

Cảnh thường thấy ở Sa Pa

Nghỉ học khi mới hết lớp 5, hàng ngày Hoa đưa khách du lịch đi “trek” (đi bộ) vào chính ngôi nhà của mình nằm trên đồi dốc thoai thoải. Hoa cho biết, nhà có ba chị em, thì tất cả đều “đi làm du lịch”. Theo đó, ngoài bán hàng lưu niệm, cô bé tuổi mười sáu trăng tròn này dẫn khách du lịch vào bản, vào chính nhà mình để tham quan. “Tất nhiên là không lấy tiền, nó (khách du lịch) chỉ mua hàng cho mình thôi”, Hoa cho biết.

Rời Sa Pa, chúng tôi theo đoàn khách du lịch Canada đi “trek” vào xã Hầu Thào tham quan bãi đá cổ. Vừa bán hàng lưu niệm, Hoa kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên cho du khách. Mọi chỉ dẫn cũng như giới thiệu với đoàn khách, Hoa phát âm bằng tiếng Anh. Thỉnh thoảng, cô quay sang người chị đi cùng, nói bằng thứ tiếng dân tộc Mông.

Thú vị bởi điều này, tôi đã hỏi chuyện một phụ nữ người Pháp trong lần vào San Sả Hồ (cô gái người Mông tên Vui là người phiên dịch cho tôi), vị khách này cho biết, bà ấn tượng bởi những hướng dẫn viên như Vui, ngoài hiểu biết phong tục tập quán, dù là những người con của bản làng nhưng ngôn ngữ của họ thì “bắt nhịp cùng thời đại”.

Hút khách nhờ vốn ngoại ngữ đặc biệt

Bí thư đoàn xã Hầu Thào, anh Mã A Nhà cười tít mắt, cởi mở. Theo anh, chuyện người dân tộc thiểu số giao tiếp bằng tiếng Anh với khách quốc tế không có gì mới, thậm chí là cả làng… nói tiếng Anh.

Đa số, ngoài việc làm ruộng, lên nương, phụ nữ và trẻ em dân bản đều đi bán đồ lưu niệm, hướng dẫn du khách, nên vốn tiếng Anh của họ được phát triển.

“Nhu cầu hưởng thụ dịch vụ du lịch từ khách quốc tế cũng khác nhau. Có người muốn dịch vụ chuyên nghiệp, có khách quốc tế chỉ thuê người bản địa đi dạo trên đường, thăm hỏi bà con dân bản. Chỉ có người ở bản mới đáp ứng được những đòi hỏi tưởng như đơn giản ấy”, anh Nhà bổ sung thêm.

Ông Hoàng Mạnh Dũng, trưởng phòng Văn hoá huyện Lào Cai cho hay, hướng dẫn khách du lịch và bán đồ lưu niệm của người dân trên địa bàn cũng là nghề nghiêm túc để kiếm sống. Với lại, làm du lịch mà có nhân công tại chỗ nên giá cả cạnh tranh hơn.

Ông Dũng thừa nhận, những em nhỏ này có thuận lợi trong việc tiếp thu ngoại ngữ. Bởi ngữ hệ họ sử dụng là ngữ hệ Miến Tạng, phát âm không có dấu nên khi chuyển sang tiếng Anh thì các em phát âm rất chuẩn.

Về mặt tâm lý, khách du lịch quốc tế khi đến thì đều mong muốn được tiếp cận dịch vụ tại chỗ, đặc biệt họ rất thích hướng dẫn viên là người bản địa với vốn ngoại ngữ đặc biệt đó.

Theo Việt Hưng
Bee.net.vn