Tổng hợp các kinh nghiệm và lời khuyên thi Toeic

Trong khi làm bài thi TOEIC, quan trọng nhất là ‘KEEP UP’ tức là luôn luôn vượt trước bài thi. Tức là luôn luôn chủ động với mọi tình huống nghe trong bài thi.

Về Part 1: Picture Description

Khi nhìn tranh các bạn nên chú ý cả những thông tin detail chứ không chỉ chú ý nội dung chính của tranh. Nhiều khi đáp án lại chính là những thông tin phụ. Ví dụ: có bức tranh có 3 người đang họp, có 2 phụ nữ và một đàn ông, đáp án hóa ra là một thông tin rất là phụ “The man is holding a pen.”

Khi làm phần này, đôi khi sẽ có từ vựng mà bạn không biết, hoặc người nói nối âm s-z từ động từ hoặc danh từ khiến cho bạn không hiểu thì cũng không nên lo lắng. Chỉ cần nghe ba câu còn lại mà không đúng thì đáp án chính là câu này. Vì trong khi thi ta chỉ chú ý nội dung nghe nên nhiều khi quên mất mình định chọn đáp án nào, vì thế, nên đặt bút tại đáp án mà bạn cho là đúng nhất để tránh bị quên.

Về Part 2: Questions & Responses

Phần này là phần duy nhất trong bài thi mà thi sinh hoàn toàn không có thông tin gì để chuẩn bị trước (vd: phần 1 có tranh, phần 3,4 thì lại có câu hỏi) do đó đòi hỏi người nghe cần phải hết sức tập trung. Tuy nhiên, nó lại có điểm dễ là chỉ có 3 câu trả lời, điều này nghĩa là nếu ko nghe được một trong 3 câu trả lời thì cũng không sao, từ hai câu còn lại là suy luận được. Khi làm phần 2 (câu hỏi 11 đến 40) thông thường từ câu 30 là thí sinh bắt đầu mất tập trung dần, việc tập trung này dẫn tới có câu bạn sẽ không chọn được câu trả lời khi nghe xong, khi đó cần chú ý chọn ngay đáp án nào đó gần đúng nhất, đừng ngẫm nghĩ vì việc đó sẽ khiến bạn mất từ hỏi ở câu tiếp và sẽ sai liền một loạt. Nhiều câu hỏi trong phần 2 thực chất là câu hỏi về từ vựng, có những từ được nhắc tới với nghĩa khác nhau trong câu hỏi và câu trả lời. Do đó, bạn cần không ngừng nâng cao vốn từ vựng của mình. Ví dụ: trong câu hỏi có từ report với nghĩa ‘báo cáo’ nhưng câu trả lời lại dùng nghĩa ‘bản tin’, hoặc từ ‘turn’ trong câu hỏi là lượt, nhưng câu trả lời lại nghĩa là ‘rẽ trái/phải’ …

Hãy coi ngữ pháp là một người bạn đồng hành đắc lực, bạn sẽ cảm thấy việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn

 

Về Part 3: Conversations

Phần này thì quan trọng là cần phải chủ động đọc nắm bắt câu hỏi và tình huống trước khi nghe. Nếu bạn bị tụt lại sau bài thi: ví dụ như vừa nghe vừa đọc câu hỏi hoặc nghe xong mới đọc câu hỏi thì khả năng đúng là không cao, khi đó nên hy sinh một tình huống để chủ động những tình huống còn lại.

Khi học ở nhà cần dành thời gian phân tích câu hỏi và tình huống trước khi nghe, chẳng hạn như thử dựa trên thông tin từ câu hỏi để đoán về địa điểm xảy ra hội thoại, hai người nói là ai, mục đích của hội thoại là gì, ai là người chủ động hội thoại trước… sau khi học xong các tình huống thì cần ôn lại một cách cẩn thận nắm chắc từng tình huống cả về âm thanh, ý nghĩa, và tổ chức (cách triển khai hội thoại). Nếu vốn tình huống của bạn ngày càng được nâng cao thì khả năng và tốc độ nắm bắt nội dung khi đọc câu hỏi và nghe sẽ tăng đáng kể (lúc đầu mất vài phút để phân tích, sau dần sẽ chỉ mất vài giây). Ví dụ: khi đọc câu hỏi “where does the man probably work?” thì bạn sẽ thấy rằng hội thoại này rất có thể xảy ra tại nơi người đàn ông làm việc, và ông này có thể là người phục vụ, người còn lại sẽ là khách hàng và có thể chủ động hội thoại trước…

Nếu khi nghe xong hội thoại mà bạn không trả lời hết được cả 3 câu thì cũng là chuyện bình thường. Mỗi hội thoại có 1 câu dễ, 1 câu vừa và một câu hoặc vừa hoặc khó. Khi hội thoại bắt đầu thì thông thường có ngay thông tin để trả lời một câu, nếu bạn ôn tốt thì việc trả lời đúng 2/3 câu là chuyện bình thường. Để trả lời đúng 3/3 câu đòi hỏi bạn phải có khả năng nắm bắt các thông tin theo ý vì đôi khi thông tin của 2 câu hỏi lại cùng rơi vào 1 câu trong hội thoại, trong khi bạn mải trả lời 1 câu thì vuột mất câu còn lại.

Phần hội thoại còn có một điểm khó nữa là có 2 người hội thoại nên thường thì bạn có thể chọn nhầm thông tin trả lời. ví dụ: để trả lời câu “What does the woman suggest?” bạn có thể sẽ chọn nhầm đáp án có trong lời nói của người đàn ông. Hoặc đôi khi thì bạn đã chọn đáp án cho câu trả lời nào đó rồi, nhưng hóa ra tới cuối hội thoại thì lại phải chọn lại đáp án khác – vì thế cần hết sức bình tĩnh J

Về Part 4: Talks

Phần này tưởng khó nhưng hóa ra lại không khó vì các bài nói do 1 người nói nên thường có logic nhất định. Khi ôn tập các bạn cần chú ý về cách triển khai của các kiểu bài nói khác nhau và tập nghe thật nhiều lần cho quen dần với việc nghe dài và liên tục. Trong giai đoạn luyện nghe phần 3-4 nên tập nghe liên tục khoảng 2 tiếng mỗi lần để luyện dần sức bền và sự tập trung trong khoảng thời gian dài.

Về Part 5 & Part 6: Điền từ

Thường có câu hỏi về từ vựng và về ngữ pháp. Câu về ngữ pháp thì xoay quanh các vấn đề quen thuộc và lặp đi lặp lại ở các đề thi như: điền liên từ, giới từ, từ loại, đảo… khi ôn nên so sánh các đề thi bạn sẽ nắm được các câu đặc trưng. Đôi khi trong bài thi có từ mới nhưng nếu bạn để ý và có khả năng phân tích câu thì từ mới thường không gây khó khăn cho việc chọn đáp án đúng. Về câu từ vựng mà bạn không biết thì nên đoán nhanh, không nên phí thời gian. Thời gian cho phần này nên trong khoảng 15-20 thì mới đủ thời gian cho Part 7.

Về Part 7: Reading

Phần này bạn cần nhớ là mục tiêu của bài thi chỉ cần làm đúng chứ không phải cần hiểu cặn kẽ. Đa số câu hỏi của bài thi yêu cầu khả năng xác định và chọn thông tin cần thiết, khi đó bạn chỉ cần xác định cụ thể thông tin câu hỏi yêu cầu và lướt thật nhanh để chọn đáp án và chuyển sang câu khác. Đôi khi bài thi yêu cầu bạn cần tổng hợp thông tin và suy luận một chút để tìm ra đáp án. Do đó, khi học ở nhà cần luyện tập khả năng nắm bắt đầy đủ thông tin của bài đọc. Việc đọc cũng giống như ghép hình vậy, mỗi câu cho mình một thông tin như một miếng hình, ghép các hình nhỏ này lại ta được bức tranh tổng thể. Khi đọc hiểu cần tìm hiểu mối quan hệ giữa các câu với nhau (đa phần là ý chính đi trước, ý phụ mô tả thêm đi sau) khi đó thì dần dần kỹ năng đọc sẽ được cải thiện và tốc độ sẽ nhanh hơn. Bạn nên tập tóm tắt hoặc gạch đầu dòng các thông tin của bài sau khi đọc xong. Ngoài ra, việc nắm chắc toàn bộ từ và cấu trúc trong bài đọc cũng là một điều cần thiết. Việc học từ trong một bài sẽ giúp bạn nhớ từ lâu hơn.

Về đọc hiều thì mình thấy có cuốn TOMATO Intensive TOEIC Reading là khá kỹ và có rất nhiều kỹ năng đọc bổ ích. Việc nâng cao tốc độ đọc và chất lượng đọc (khả năng nắm bắt thông tin) sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình học tập và làm việc (cả tiếng Việt và tiếng Anh)

Good luck!