“Em mệt lắm thầy ơi, càng ôn càng nản, càng ôn càng cảm thấy bế tắc, ôn nhiều mà chẳng tiến bộ gì cả, bây giờ là em nộp tiền đi thi bừa, đến khi thi đậu thì thôi” 1 anh chàng theo chia sẽ là đã rớt 7 lần, nhắn tin than thở với thầy trong lần thi rớt thứ 8.
Cứ tưởng do hắn lười nên thế, sau một hồi mắng cho em ấy 1 chập về vụ lười biếng mới nhận ra anh này ôn rất chăm chỉ, bao nhiêu sách có trên mạng là kéo về giải hết rồi, thế mà cái mốc 400 vẫn vượt không qua. Từ đó mới khiến thầy đắn đo là tại sao chăm chỉ như thế, có quyết tâm như vậy, mà mức ôn hoài không qua.
Tìm hiểu sâu hơn, khảo sát sâu hơn nhiều bạn ôn thi TOEIC khi bị mất gốc, dần dần thầy cũng khám phá nguyên nhân tại sao:
1. Sai phương pháp tiếp cận việc ôn luyện
Nhiều bạn cứ nghĩ ôn TOEIC = Tải đề về giải. Phương pháp này có thể nói là như cầm đèn chạy trước ô tô. Học vẹt chứ không gia tăng được nội lực.
Khi mất căn bản, mất gốc, mà lại đi giải đề TOEIC chẳng khác nào học sinh lớp 1 đi giải toán tích phân, cho dù bạn có nhìn lời giải, đọc transcript hoặc nhìn đáp án cũng không tài nào hiểu nỗi, đơn giản là kiến thức nền chưa có. Học kiểu này không khác gì học vẹt, không hiểu được bản chất, gặp các câu tương tự, các trường hợp tương tự không tài nào làm được.
Thế thì cách tiếp cận thế nào là đúng?
2. Không học từ căn bản
Do đã sai phương pháp tiếp cận ngay từ đầu, giống từ Sài gòn ra Hà Nội mà đi về phía Tây (ra Campuchia) vậy, nên các bạn bạ đâu học đấy, giải đề xong, thấy cái nào khó thì ghi chép lại, thấy điểm ngữ pháp nào lại lại học lại.
Phương pháp này rất ít hiệu quả dọi mọi người đang góp nhặt, góp nhặt mà không hệ thống theo 1 bức tranh toàn cảnh, theo logic kiến thức, nên các mảnh ghép rất rời rạc không hỗ trợ cho nhau, cũng chẳng bổ trợ được cho nhau!
TOEIC chỉ là 1 đề kiểm tra năng lực sử dụng tiếng Anh, do đó bạn không phải luyện TOEIC mà là luyện năng lực sử dụng tiếng Anh, khi ôn lại tiếng Anh theo hướng rèn luyện năng lực đọc, nghe cơ bản dựa trên cấu trúc TOEIC sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Bắt đầu bằng việc nắm vững lại các kiến thức ngữ pháp cơ bản về câu, về loại từ, về thì, liên kết chúng lại với nhau. Kế đến là bổ sung từ vựng, những từ vựng cơ bản cuộc sống hàng ngày, từ vựng trong giao tiếp, và đặc biệt là từ vựng TOEIC cho trình độ mới bắt đầu.
Tiếp đến phần nghe thì trước tiên phải ôn lại các âm trong tiếng Anh, nghe các chương trình đơn giản, căn bản, sau đó luyện nghe theo format TOEIC, nắm rõ từng phần cần phải rèn luyện cái gì, chú ý trọng tâm ra sao. Phần đọc cũng tương tự như vậy.
3. Không tự lượng sức
Nhiều bạn mất gốc lại đặt ra mục tiêu quá cao, 1 tháng phải được 500, sau 3 tháng được 750 TOEIC đại loại thế.
Thế rồi bắt đầu lao vào giải đề hì hục, dò ra được có 100-200 điểm rồi lại cắm cúi giải tiếp, vẫn 100-200, rồi nản, rồi mất động lực, rồi bỏ luôn!
Các bạn nên ghi nhớ là đề thi TOEIC còn dùng để kiểm tra trình độ 700-800-900 và được thiết kế phân hóa trình độ rất rõ ràng, không có chuyện không có thực lực, giải đề cầu may mà được 600 điểm trở lên là không tưởng.
Thay vào đó, cần phải nhận thức rõ ràng hiện tại mình đang ở đâu, mất gốc hoàn toàn luôn hay còn biết sơ sơ, nếu vào thi thi được bao nhiêu điểm, từ đó đưa ra được mục tiêu và kế hoạch ôn tập hợp lý.
Mọi người cứ nhớ 1 công thức mà ETS đã nghiên cứu về số giờ học tiếng Anh cần thiết để tăng điểm TOEIC là cứ 110h học là tăng được 200 điểm, đây là tự học không có thầy cô hướng dẫn đấy nhé, cứ thế mà nhân lên. Còn nếu đi học thầy cô có kinh nghiệm, lộ trình rõ ràng và nghiêm túc thì thời gian sẽ ngắn hơn.
Bên cạnh đó, những bạn nào cần tầm 400đ – 500đ TOEIC để nộp bằng ra trường, không có nhiều thời gian chỉ còn khoảng 3 – 4 tháng thì cần phải đặc biệt lưu ý, phải biết được đâu là những câu dễ, những câu lấy được 400 – 500 điểm và tập trung ôn thật kỹ những câu đó thôi.
Theo nghetienganhpro