Sáng nào cũng vậy, thói quen hàng ngày của Ahmed Shariar Sarwar là dùng điện thoại di động gọi tới số 3000 để nhận được các bài học tiếng Anh. Ngoại ngữ này được coi như “tấm hộ chiếu” để anh có được một cuộc sống tốt hơn ở đất nước Bangladesh nghèo khổ.
Hai người dân ở thủ đô Dhaka (Bangladesh) đang nói chuyện qua điện thoại di động.Hiện nay ở nước này có hàng ngàn bạn trẻ đang tham gia chương trình học tiếng Anh qua điện thoại di động của Quỹ từ thiện BBC World Service.
Buổi học tiếng Anh qua điện thoại này chỉ kéo dài 3 phút nhưng chàng trai 21 tuổi hiện đang học chuyên ngành Thương mại dệt may cho biết nó hỗ trợ anh nhiều trong việc học tiếng Anh – “chìa khóa” để có thể nhận được một công việc hấp dẫn ở các công ty nước ngoài đặt trụ sở tại Dhaka.
Cũng như Ahmed Shariar Sarwar, hàng trăm, hàng ngàn thanh niên khác ở Bangladesh đang sử dụng dịch vụ dạy tiếng Anh mới lạ này từ khi nó được tung ra hồi tháng trước bởi một tổ chức từ thiện trực thuộc Đài BBC. Mục tiêu của chương trình này là dạy tiếng Anh cho 6 triệu người đến năm 2011.
“Nó đơn giản và hữu hiệu. Chỉ mất có 3 taka (chưa đến 800 đồng) cho mỗi bài học, quả là một cách học tiếng Anh rẻ nhất ở Bangladesh”, Ahmed Shariar Sarwar hào hứng nói.
Được gọi là Janala (nghĩa là “cửa sổ” trong tiếng Bengali), chương trình này cho phép các học viên nhận các bài học SMS và audio về đàm thoại, phát âm và tiếng Anh cơ bản. Nó đòi hỏi các học viên phải tham gia 5 ngày mỗi tuần trong suốt 18 tháng. Janata được giới trẻ Bangladesh ca ngợi là một công cụ tuyệt vời.
Bà Sara Chamberlain, người đứng đầu chương trình Janata tại tổ chức BBC World Service (Quỹ từ thiện của BBB, chuyên sử dụng các phương tiện truyền thông để giảm đói nghèo, thúc đẩy quyền con người và cải thiện cuộc sống) cho biết: “Chúng tôi đã từng dự kiến vào ngày đầu tiên chỉ có dưới 25.000 cuộc gọi, nhưng chúng tôi thực sự bị “ngập” trong 84.000 cuộc gọi và con số này đang tăng lên. Nó cho thấy giới trẻ ở đây khao khát được học tiếng Anh như thế nào”.
Tại Bangladesh, ngành dệt may xuất khẩu và các lĩnh vực dịch vụ nhỏ hơn chẳng hạn như ngân hàng yêu cầu nhân viên phải nói được tiếng Anh, và mức lương cơ bản họ được trả có thể lên đến 500USD/tháng, trong khi mức thu nhập tối thiểu ở quốc gia này chỉ là 25USD/tháng.
Iqbal Aziz Muttaki, chuyên gia giáo dục hàng đầu tại Trường đại học Dhaka, cho biết chương trình dạy tiếng Anh trên mang lại hy vọng cho hàng triệu sinh viên nghèo ở đất nước này.
Khoảng 99% người Bangladesh nói ngôn ngữ Bengali như tiếng mẹ đẻ của họ. Giáo sư Muttaki cho biết người dân Bangladesh rất tự hào về ngôn ngữ của họ. Tiếng Bengali được đẩy mạnh trong mọi lĩnh vực học tập, trong quá trình đó, tiếng Anh hầu như bị xóa sổ khỏi hệ thống giáo dục.
Các quan chức BBC cho biết thành công của chương trình là nhờ vào tất cả các nhà khai thác điện thoại di động của Bangladesh đã giảm giá 75% cho mỗi cuộc gọi tới số dịch vụ Janala.
Mặc dù gần 40% trong tổng số 144 triệu người Bangladesh hiện đang sống dưới mức nghèo khổ nhưng điện thoại di động đã thâm nhập sâu vào các khu vực nông thôn.
Võ Hiền Theo AFP