Một trong những “vật cản” lớn khiến việc chinh phục tiếng Anh của bạn gặp nhiều khó khăn chính là nền tảng và vốn từ vưng tiếng Anh hạn chế. Chắc hẳn bạn đã nhiều lần ở trường hợp muốn diễn tả một ý tưởng, suy nghĩ của bản thân nhưng không biết phải dùng từ gì, hoặc nhớ đã biết nhưng không thể bật được ra. Học từ vựng tiếng anh hay học bất cứ một thứ gì đều cần phải có bí quyết riêng để việc học tập được hiệu quả và không mất quá nhiều thời gian. Bài viết sau đây nhằm chia sẻ một số bí quyết học tập từ vựng nhằm giúp các bạn tìm được cách học phù hợp nhất đối với mình để nâng cao hiệu quả học tiếng anh nói chung và học TOEIC nói riêng.
1. Học từ vựng theo hệ thống.
Xét về một khía cạnh nào đó, học từ vựng cũng giống với việc bạn học các công thức toán học hay hóa học. Việc phân loại và xâu chuỗi các công thức sẽ khiến cho bộ não tập trung kiến thức và nhớ lâu hơn. Từ vựng cũng vậy, khi gộp chung các từ theo một hệ thống, chủ đề thì việc tiếp thu và vận dụng cũng dễ dàng hơn. Ví dụ, bạn hãy học các từ vựng trong chủ đề Cửa hàng (Shop) như: stock (kệ, giá), discount (giảm giá), clark (người bán hàng), charge (thanh toán)… thì khi vào một trường hợp giao tiếp cụ thể, bạn sẽ biết phải vận dụng chúng như thế nào cho chuẩn xác.
2. Học từ vựng sinh động.
Hãy trang bị cho mình một vài bộ flashcard hoặc tìm tòi các video học từ ngữ. Theo các nghiên cứu khoa học thì não bộ sẽ ghi nhận những nội dung liên quan đến hình ảnh, âm thanh nhanh và lâu hơn so với việc lưu trữ hoàn toàn bằng chữ viết. Việc học từ bằng flashcard và hình ảnh video cũng giúp cho bạn cảm thấy hứng thú, không nhàm chán và tìm được niềm vui trong việc học từ.
3. Học từ vựng theo cụm.
Cách học từ vựng truyền thống theo kiểu liệt kê các từ vựng và nghĩa tiếng Việt bên cạnh sau đó học thuộc đã không còn phù hợp. Nếu một từ vựng chỉ đứng riêng lẻ một mình thì nó không hoàn toàn “sống”. Bạn có thể nhớ nghĩa của từ nhưng lại không biết sử dụng chúng như thế nào, trong khi việc sử dụng tiếng anh có nghĩa là bạn phải đặt câu và sử dụng câu trong đúng ngữ cảnh. Hơn thế, cũng giống như tiếng Việt, một từ trong tiếng Anh có thể mang rất nhiều nghĩa. Việc liệt kê tất cả các nghĩa của từ rồi học thuộc rõ ràng là không hiệu quả. Ví dụ: từ refund mang nghĩa là “hoàn trả, trả lại”. Trong ngữ cảnh cần phải diễn tả việc hoàn trả lại một món đồ bạn sẽ sử dụng từ này như thế nào? Có thể bạn sẽ suy luận hoặc đoán: “make refund”? “do a refund”? Nhưng cụm từ chính xác cần dùng ở đây lại là “get a refund”. Hoặc một trong số những từ mang nhiều nghĩa nhất trong tiếng Anh là “take”. Với cách học truyền thống bạn thường sẽ chỉ nhớ nghĩa của “take” là lấy, mang, cầm, nắm nhưng trên thưc tế, khi kết hợp với các từ tạo thành các cụm khác nhau, “take” lại mang những ý nghĩa khác nhau:
Take place: diễn ra
Take over: tiếp quản
Take up a hobby: bắt đầu một sở thích
…
Bạn thấy không, khi các từ riêng lẻ được đưa vào cụm, nó sẽ có sức sống và sinh động hơn rất nhiều. Việc sử dụng đúng các cụm từ cũng làm cho cách sử dụng ngôn ngữ của bạn được linh hoạt và “chuyên nghiệp” hơn
4. Học các từ có tần suất xuất hiện cao
Không phải từ vựng nào bạn cũng nên học. Có những từ vựng bạn sẽ bắt gặp trong đời sống hàng ngày rất nhiều, đó là những từ cần thiết phải học. Nhưng có những từ mang tính chuyên ngành, diễn tả các khái niệm học thuật rất khó thì lại không cần thiết nếu đó không thuộc lĩnh vưc của bạn. Bạn có thể lựa chọn các danh sách như 850 từ vựng cơ bản, 3000 từ cơ bản dùng trong giao tiếp hoặc 600 từ vựng cần thiết cho TOEIC. Việc học các từ vựng cần thiết này sẽ giúp bạn nhanh chóng gia tăng vốn từ vựng của mình để vận dụng vào giao tiếp.
5. Học từ vựng đi liền với học phát âm.
Hãy tạo thói quen tra từ cùng với tra cách phát âm của từ cho mình. Tuyệt đối không nên đoán cách phát âm vì làm như vậy bạn sẽ rất dễ tạo thành lỗi phát âm cho chính bản thân mình. Có rất nhiều từ tiếng anh phát âm không theo quy tắc nào hết, nên chỉ có một cách duy nhất là phải tra và nghe cách phát âm của từ. Tốt nhất bạn nên sử dụng từ điển trên máy tính để dễ dàng nghe cách phát âm, đề phòng trường hợp tra cách phát âm trong từ điển giấy rồi nhưng vẫn không biết cách sử dụng. Sau khi biết cách phát âm của từ, hãy đọc thật to nhiều lần để luyện phản xạ không ngại nói tiếng anh.
Bên cạnh đó, bạn nên dành thời gian 5-10’ mỗi ngày để luyện nói. Có thể là nói cùng bạn bè qua skype, có thể chỉ cần đứng trước gương luyện nói một mình. Đây là cách rất hiệu quả để giúp bạn tăng phản xạ tiếng anh, tập cách nói tự tin, trôi chảy và đặc biệt là cách vô cùng tốt để bạn vận dụng những từ vựng và cụm từ đã học. Hãy nhớ nhé, mỗi ngày chỉ cần dành ra ít phút nhưng thường xuyền luyện tập, bạn sẽ thấy kết quả bất ngờ đó.
6. Hãy đọc thật nhiều.
Cũng giống như tiếng Việt, muốn khả năng ngôn ngữ của mình phong phú, bạn cần phải đọc sách nhiều. Những người giỏi văn thường là những người chăm đọc sách. Việc đọc sách không những giúp bạn làm giàu kho từ vựng mà bạn còn có thể học được rất nhiều mẫu câu, nhiều cách diễn đạt hay của người bản ngữ. Hãy đọc những gì bạn cảm thấy thích, bất kể là sách khoa học, tiểu thuyết hay báo chí. Đọc nhiều cũng là cách giúp bạn sàng lọc những từ vựng cần thiết và xuất hiện với tần suất cao như đã nói ở bí quyết thứ 3. Có thể bạn sẽ tự hỏi, với vốn từ vựng ít ỏi đang có thì làm sao bạn có thể đọc sách được? Bạn đừng lo, trên thị trường sách anh ngữ hiện tại đã có rất nhiều bộ sách, truyện phục vụ cho từng đối tượng ở tất cả các trình độ. Có những bộ truyện được phân cấp từ Elementary, Pre intermediate, Intermediate đến Advance. Hãy lựa chọn những cuốn sách phù hợp với trình độ của mình và tập luyện. Ngoài ra, việc đọc nhiều còn giúp bạn rèn luyện kĩ năng đoán từ, một trong những kĩ năng vô cùng cần thiết đối với tất cả các thí sinh muốn theo đuổi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS hoặc TOEIC. Mỗi ngày dành 15’ – 20’ để đọc truyện và 5 – 10’ để luyện nói trong quỹ thời gian 24h/ngày cũng không nhiều đúng không?
Trên đây là những kinh nghiệm học từ vựng chia sẻ với các bạn. Có người đã từng nói “Learning English is a “key” to open doors of opportunity, a “bridge” to connect people and cultures and to cross communication gaps, or a “mirror” to reflect others and your own personality” – Học tiếng anh là “chìa khóa” để mở cánh cửa cơ hội, là “cây cầu” để kết nối con người và các nền văn hóa, để vượt qua rào cản giao tiếp hoặc là “tấm gương” phản chiếu mọi người hoặc chính bản thân bạn. Hy vọng những kinh nghiệm trên đây sẽ phần nào giúp các bạn tìm được hứng thú trong việc học tiếng anh và mãi giữ ngọn lửa nhiệt huyết trên con đường tìm đến chìa khóa thành công!
Chúc các bạn luôn vui vẻ và học tập thật tốt!
TOEIC HOÀNG XUÂN