Bài nghe TOEIC không khó về nội dung, tuy nhiên những yếu tố sau làm bài nghe TOEIC khá là khó:
– Dài, liên tục 45’
– Nhiều yêu cầu khác nhau
– Giọng đọc đa dạng (Anh, Mỹ, Úc)
Hiểu được những yếu tố đó, bạn sẽ dễ dàng có chiến lược trị bài nghe TOEIC 1 cách tốt nhất.
1. Tập quen dần với việc nghe cường độ cao
Tôi biết cảm giác đó: đâu đầu, đau tai, mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ, trầm cảm, lo lắng. Không phải cảm sốt hay tâm thần gì đâu, đó là cảm giác khi nghe tiếng Anh liên tục trên 15’ đối với những bạn chưa quen, phải không nào?
Bốn năm trước khi lần đầu nghe tin tức trên CNN, BBC tôi có cảm giác y chang. Chẳng hiểu nó lãi nhãi cái quái gì, nghe tiếng được tiếng không, nghe 1 hồi là nhức đầu, chóng mặt, cảm giác như bị đi lạc vô chỗ quái quỷ nào đó.
Bình thường thôi, những nguyên nhân chính khiến bạn cảm thấy như vậy là:
– Ít nghe tiếng Anh thường xuyên
– Chủ yếu bạn nghe những nội dung ngắn
– Cố gắng dịch từng câu chữ sang tiếng Việt
Chính vì vậy mà bạn không đủ dẻo dai để chiến đấu liên tục suốt 45’ với bài nghe TOEIC. Nhiều bạn chia sẻ, “nghe 1 hồi là hết biết băng nó nói gì”, “nghe được tới phần 2 là tao hoa mắt nhức đầu, không còn nghe được gì hết, đánh lụi luôn”.
Vậy bây giờ làm sao?
Bí quyết đơn giản lắm, làm ngược lại với những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.
– Nghe nhiều lên! Nghe hằng ngày, mọi lúc mọi nơi. Bài trước tôi đã giới thiệu 5 tuyệt chiêu nghe tiếng Anh thần thánh, kèm với 1 lô 1 lốc các tài liệu để bạn từ từ mà nghe.
– Nghe nội dung dài lên. Nghe những đoạn hội thoại, bài phát biểu, chương trình thời sự (CNN, BBC, VOA) dài ít nhất 30’.
– Tập tư duy bằng tiếng Anh. Tôi đã hướng dẫn chi tiết trong 6 thói quen nghe tiếng Anh thất bại – P1.
– Cách khác là nghe thụ động. Cách này là 1 trong những bí mật của tôi, bật BBC radio, nghe khoảng 2 tiếng 1 ngày, không cần hiểu, vừa nghe vừa làm việc khác, nghe đến mức không bị nhức đầu, phân biệt được các từ, quen với các âm, và vẫn tập trung làm được việc khác là đạt!
Nghe nhiều, nghe dài, nghe hoài là bí quyết để bạn có thể tự trang bị cho bản thân khả năng chiến đấu với bài nghe dài, liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi. Yếu tố tiếp là tập trung!
2. Phớt lờ những quấy rầy khi tập trung
Mỗi nội dung trong bài nghe TOEIC kéo dài từ 30 giây đến tầm 2 phút. Một người lớn khoẻ mạnh bình thường thì thời gian tập trung trung bình là 5 phút.
Phần cứng bên trong cho sự tập trung bạn biết là bạn có thừa. Vậy chỉ còn yếu tố bên ngoài thôi. Những yếu tố bên ngoài gây xao nhãng khi nghe thường gặp là:
– Băng nghe không rõ
– Tiếng động bên ngoài
– Nhiều người đi qua đi lại
– Còn 1 lý do nữa: Buồn ngủ
Để loại bỏ triệt để những yếu tố này thì chả có cái cách quái nào cả. Bạn phải sống chung với lũ, quen dần với nó, kệ nó.
Để làm được như vậy, thì môi trường lúc nghe hết sức quan trọng. Nghe trong phòng tĩnh lặng, một mình, không ai quấy rầy? KHÔNG ĐƯỢC LÀM NHƯ THẾ! Lý do là mọi người đều bảo phải tìm nơi yên tĩnh mà học hành mà? Đúng! Đấy là số đông. Làm khác với số đông là cách mà người ta thành công.
Hãy luyện nghe Tiếng Anh trong điều kiện khắc nghiệt. Một trong những nơi ồn ào nhất tôi từng ngồi nghe tiếng Anh là:
– Ghế đá công viên
– Hành lang thư viện
– Gần cửa ra vào của Circle K
Nếu bạn quen với những môi trường này, thì điều kiện lý tưởng trong phòng thi là quá tuyệt vời. Nếu trong phòng thi có xảy ra những sự kiện ngoài ý muốn thì bạn vẫn tập trung được như thường.
Thi TOEIC chỉ có 3 ca, ca sáng từ 7h và ca chiều từ 13h hoặc từ 16:30. Giờ nào thì vô nghe cũng buồn ngủ vật vả ra cả. Phải kiểm soát được chuyện buồn ngủ trong lúc nghe thì mới tập trung và có điểm cao được.
Để kiểm soát cơn buồn ngủ điên cuồng trong lúc nghe thì 1 lần nữa, phải quen với nó. Khác với những người khác chọn lúc tỉnh táo mà nghe tiếng Anh. Tôi chọn lúc BUỒN NGỦ NHẤT để bật băng lên mà nghe. Ba thời điểm buồn ngủ vật vả tôi hay thường chọn để nghe lúc luyện nghe TOEIC là:
– 13:30 trưa, khi vừa “căng da bụng”
– 21:30 tối, mắt díp lên díp xuống
– 6:30 sáng, ngủ dậy còn mơ màng
3. Nắm rõ cấu trúc và hiểu đề thi trong lòng bàn tay
Các bạn đều đã biết thi TOEIC với bài nghe TOEIC có 4 phần với 100 câu hỏi và hãy tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi sau:
– Điểm khác biệt giữa các phần?
– Cách luyện nghe cho từng phần?
– Cần tập trung nghe gì cho mỗi phần?
– Kỹ thuật làm bài tốt nhất cho các phần?
– Cách kiếm điểm dễ dàng nhất?
– Những bẫy thường gặp trong phần nghe?
Phân biệt và tập trung cho từng phần sẽ giúp bạn tự tin hơn để ứng phó trong khi làm bài thi.
Sưu tầm