Học tiếng anh cấp tốc trước khi đi du lịch là điều cần thiết: Ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Vì thế nếu có bị lạc hay gặp tình huống bất trắc, hay cố gắng nhờ người bản địa đưa tới nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu phố Tây, nhà ga
Ba cách để sống sót ở nơi không nói tiếng Anh
Học cấp tốc những câu đàm thoại cơ bản, mang theo smartphone và tích cực giao lưu với người bản địa để có chuyến đi dễ dàng hơn. Trên thực tế, những nơi có phong cảnh đẹp, hoang vắng và thanh bình thì thường không phải là “đại bản doanh” của những người nói tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu trót mê cảnh đẹp nơi đây thì vẫn có những giải pháp hỗ trợ cho bạn.
Học cấp tốc
‘Phòng còn hơn chống’ là phương châm đối với người du lịch ở đất nước không nói tiếng Anh. Bạn nên tranh thủ học tiếng bản xứ càng sớm càng tốt trước khi chuyến đi thực sự bắt đầu. Theo một báo cáo của Priceline (tập đoàn sở hữu các website du lịch nổi tiếng), có tới 53% du khách chỉ mới bắt đầu tiếp cận với một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới trước khi đi du lịch. Phần lớn trong số họ cảm thấy học nhanh hơn khi ở hoàn cảnh bình thường và đương nhiên, nó giúp ích rất nhiều cho chuyến đi.
Bạn nên bắt đầu học với những cụm từ thiết yếu nhất như: “Xin chào”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Xin vui lòng…”… Dần dần, bạn mới nên học đến những câu dài hơn như “Bạn có nói được tiếng Anh không?”, “Tôi có thể tìm thấy người nói được tiếng Anh ở đâu”, “Cho tôi hỏi đường tới…”… Đương nhiên với phương án hỏi đường, nếu không nghe được tiếp, bạn có thể sử dụng các “phụ kiện” hỗ trợ như bản đồ hay smartphone rồi để người kia chỉ hoặc vẽ lại đường đi bằng tay.
Những người du lịch chuyên nghiệp còn khuyên bạn nên học những câu nói có thể cần thiết trong các trường hợp khẩn cấp như: “Cứu tôi với”, “Có người đang gặp nguy hiểm”, “Tôi muốn gặp cảnh sát”…
Tốt nhất là ngoài việc học thêm ngoại ngữ trên mạng, bạn nên mang theo một cuốn sách dạng “100 câu đàm thoại cơ bản” ngôn ngữ nước đó để yên tâm. Hãy tin dùng sổ tay và sách nhiều hơn vì không phải ở đâu bạn cũng có mạng không dây để kết nối. Ngoài ra bạn có thể truy cập các website tìm cộng đồng nói tiếng Anh xung quanh vị trí của mình như trang meetup.com để trao đổi và nhờ giúp đỡ khi cần.
Sử dụng smartphone
Tại nhà hàng, khách sạn hoặc những nơi công cộng có wifi thì sử dụng được điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc laptop là cách tối ưu nhất. Bạn có thể truy cập, tìm hiểu các thông tin một cách dễ dàng bằng tiếng Anh và hơn cả, nó có thể giúp bạn dịch thuật văn bản một cách dễ dàng.
Thông thường, mọi người hay sử dụng Google Translate như công cụ ưu việt nhất. Tuy nhiên, để sử dụng được nó, bạn chắc chắn phải có kết nối internet và việc này thì không phải thường xuyên có được, nhất là khi bạn thường xuyên di chuyển từ điểm nọ sang điểm kia.
Vì thế, giải pháp cho bạn chính là sử dụng các phần mềm dịch thuật offline (không cần kết nối internet). Được nhắc tới khá nhiều là phần mềm Word Lens, cho phép người dùng chụp lại từ không hiểu bằng hình ảnh, máy sẽ đưa ra lời giải thích sát nghĩa nhất. Tuy nhiên, điểm trừ của phần mềm này là nó không thể nhận diện được nét chữ viết tay hoặc những font chữ quá lạ. Hơn nữa, nó chỉ có thể dịch được 6 ngôn ngữ mà thôi.
Ngoài ra với người dùng hệ điều hành iOs, một phần mềm khác là Translate Professional. Phiên bản miễn phí của phần mềm này có thể dịch nghĩa cho hơn 50 ngôn ngữ. Tuy nhiên, người dùng có thể mua thêm một vài tính năng khác, bao gồm cả nhận dạng từ qua giọng nói. Tuy tính chính xác không phải là số một nhưng nhờ việc có thể hoạt động offline nên Translate Professional được nhiều người sử dụng.
Giao tiếp với người dân địa phương
Thực ra, ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp thì giao tiếp với người dân địa phương cũng là một trong những trải nghiệm không thể thiếu với mỗi chuyến đi. Do đó, hãy tích cực nói chuyện với họ bằng mọi cách. Với bản năng giao tiếp, con người có thể hiểu nhau thông qua nhiều cách thức, chứ không chỉ bằng ngôn ngữ.
Theo Priceline, 69% người dân địa phương cảm thấy rất hào hứng khi khách du lịch muốn tìm hiểu về thành phố của họ. Do đó, đừng ngần ngại nếu bạn không nói được nhiều thứ tiếng địa phương. Hãy cố gắng diễn đạt ý nghĩ của mình một cách tốt nhất có thể, đa số người dân sẽ tận tình giúp đỡ cho bạn. Việc bạn cố gắng, nỗ lực phát âm ngôn ngữ nước đó nhiều khi sẽ được đánh giá như một hành vi tôn trọng văn hóa. Nhưng bạn cũng nên rất cẩn trọng, hết sức tránh những cụm từ nhạy cảm như xúc phạm đến tín ngưỡng, vua chúa.
Trước khi khởi hành, bạn cần ghi lại những thông tin quan trọng như địa chỉ khách sạn, địa chỉ đại sứ quán, số điện thoại bằng ngôn ngữ nước đó để người bản xứ có thể hướng dẫn cho bạn khi cần thiết. Nếu vẫn không thành công thì đương nhiên vũ khí duy nhất lúc này là ngôn ngữ cơ thể.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Vì thế nếu có bị lạc hay gặp tình huống bất trắc, hay cố gắng nhờ người bản địa đưa tới nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu phố Tây, nhà ga… – những nơi chắc chắn có thể có nhiều người nói được tiếng Anh.
Theo Ngoisao.net