Chuẩn bị ngoại ngữ du học Pháp: Luyện tiếng Anh hay Pháp?

Không chỉ tiếng Anh, mọi SV dự định học tại Pháp cần phải chứng minh có một trình độ tiếng Pháp đủ để theo học bằng tiếng Pháp, ngay cả khi việc sử dụng tiếng Pháp không phải là điều kiện bắt buộc để có thể học ĐH tại Pháp.

Ông Alexis Lý, phụ trách hướng nghiệp-tư vấn CampusFrance – văn phòng chính thức của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cho biết: “Không biết tiếng Pháp là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thất bại của sinh viên (SV) nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khoa học nhân văn và luật. Trước khi sang Pháp du học, ứng viên nên học tiếng Pháp ở Việt Nam để có đủ trình độ tiếp tục theo học tại Pháp”.

Trường ĐH Y của Pháp, một trong những trường ĐH đòi hỏi SV phải giỏi cả tiếng Anh lẫn Pháp khi học tập và nghiên cứu.

Cần có TCF

Theo ông Alexis Lý, để đăng ký vào ĐH năm thứ nhất hoặc năm thứ hai (L1 và L2) hay vào một trường kiến trúc, SV nước ngoài (không thuộc Liên minh châu Âu) thực hiện một quy trình đặc biệt và phải có xác nhận về trình độ tiếng Pháp bằng bài kiểm tra trình độ tiếng (TCF hoặc TEF) hoặc một bằng DELF, DALF. Còn để đăng ký vào năm thứ ba chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hoặc vào các trường lớn, yêu cầu về trình độ tiếng Pháp sẽ do từng trường quy định. Trong khi đó, đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh tại Pháp, Đại sứ quán Pháp yêu cầu phải có trình độ tiếng Pháp tương đương A2 theo khung đánh giá của châu Âu (TCF 200 điểm hoặc DELF A2); trình độ này được gọi là “trình độ sơ cấp” và cho phép ứng viên xoay xở để có thể sống tại Pháp.

Ông Alexis Lý cho biết có hai loại TCF, đó là TCF-DAP dành cho những người muốn theo học ở trình độ cử nhân năm thứ nhất hoặc năm thứ hai, năm thứ nhất của ngành y hoặc trường kiến trúc; còn TCF-TP dành cho mọi trường hợp khác như tại trường ĐH tổng hợp, sau ĐH tại một trường lớn đào tạo kỹ sư hoặc quản lý. Như vậy, để học tập tại Pháp, ứng viên phải chứng minh được trình độ tiếng Pháp, trừ khi ứng viên được miễn thi, chẳng hạn có bằng tú tài song ngữ, có bằng DELF B2, DALF C1 hoặc DALF C2, có một bằng ĐH Pháp, có bằng của CFIT…

Nên học tiếng Pháp ngay tại Việt Nam

Nhiều cựu du học sinh Việt Nam học tại Pháp cho biết nên học tiếng Pháp ngay tại Việt Nam cho tốt để vào học thẳng các khóa học chính thức, không phải mất thời gian để học tiếng, vì các trung tâm hay trường đào tạo tiếng tại Pháp rất khó tìm được một trường gọi là “chuẩn”. Đỗ Việt Quỳnh Trang, cựu du học sinh chương trình cao học tại Trường ĐH Orsay (Paris), khuyên: “Ngay từ khi chuẩn bị du học Pháp tôi đã chuẩn bị ngôn ngữ thật tốt để không phải mất nhiều thời gian làm lại từ đầu. Tuy rằng lúc mới sang có nhiều bỡ ngỡ nhưng nhờ đầu tư ngay từ Việt Nam nên không gặp khó khăn nhiều. Bởi lẽ nếu không chuẩn bị ngôn ngữ trước, bạn sẽ phải học tiếng rất cực và dễ dẫn đến stress vì cảm thấy thua so với bạn bè”.

Hồng Loan, du học sinh cao học ngành ngôn ngữ Trường ĐH Toulouse, cho hay: “Những năm đầu học ĐH tại Việt Nam tôi đã học tiếng Pháp vì khi đó đã có ý định sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ sang Pháp du học. Trong khi học thì không có gì khó khăn nhưng lại gặp khó khi tiếp xúc trực tiếp, mặc dù có được DELF B2 nhưng sau hai tháng tôi mới theo kịp cuộc sống tại Pháp”. Theo Hồng Loan, du học sinh đến Pháp dù học chương trình đào tạo bằng tiếng Anh cũng cần phải chuẩn bị tiếng Pháp thật vững để không có cảm giác xa lạ, cô lập. “Nếu phải học thêm tiếng thì khá đắt và mất thời gian, tốn nhiều chi phí. Trong khi nếu chuẩn bị ngay từ Việt Nam thì mọi thứ sẽ rất dễ dàng” – Loan cho biết.

Theo ông Alexis Lý, đầu tư tiếng Pháp khi ở Việt Nam là đầu tư thông minh. Người học chủ động trong việc tự hoàn thiện các kỹ năng, học nói, đọc sách báo bằng tiếng Pháp, tự tra cứu tư liệu, học các khóa nấu ăn, học hát… Trong khi đó, nếu để những điều này mới “tập tành” khi đến Pháp thì du học sinh sẽ khá khó khăn. Ông Alexis Lý nói: “Chúng tôi khuyên bạn nên học tiếng Pháp tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp bạn đạt kết quả cao trong kỳ thi TCF mà còn tạo cho bạn nền tảng vững chắc, đây là điều kiện cần thiết cho thành công khi du học tại Pháp”.

QUỐC DŨNG
Pháp luật TPHCM Online.