Bạn sắp kết thúc bốn năm đại học, nhưng nhà trường yêu cầu bạn phải có chứng chỉ TOEIC (phổ biến là 450) mới đủ điều kiện để tốt nghiệp? Trong khi trước đó bạn đã lơ là học tiếng Anh trong một thời gian dài.
Bạn muốn xin một công việc tốt hơn vào một công ty khác hoặc muốn tăng lương nhưng việc có chứng chỉ TOEIC là một tiêu chí đánh giá bắt buộc? Nhưng bạn đã đi làm và không sử dụng tiếng Anh kể từ khi rời ghế nhà trường?
Rất nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp, đặc biệt là sinh viên khối ngành kỹ thuật, xây dựng hoặc nhiều nhân viên đã đi làm rơi vào hoang mang khi không định hướng được con đường học tập để đạt được mục tiêu TOEIC đặt ra trong thời gian ngắn và gấp rút.
Xây dựng mục tiêu luyện thi TOEIC.
Đây là bước quan trọng nhất trong lộ trình. Mục tiêu sẽ là kim chỉ nam giúp bạn đi đúng hướng và có một kế hoạch học tập hiệu quả. Chẳng hạn, nếu bạn muốn đạt 450 điểm trong kì thi TOEIC thì mục tiêu nên là 550 hoặc 600 điểm.
Xác định rõ ràng thời gian luyện thi TOEIC.
Bạn cần xác định thời gian thi cụ thể để lên kế hoạch phù hợp. Cách hiệu quả nhất là đăng kí luôn ngày thi cụ thể. Đây là động lực thôi thúc bạn quyết tâm học chăm chỉ hơn.
Làm bài thi thử TOEIC
Việc đánh giá trình độ hiện tại của mình trước khi bước vào giai đoạn luyện thi là rất quan trọng bởi vì điều này quyết định nội dung bạn sẽ làm gì trong suốt lộ trình. Hiện nay, ở các trung tâm ngoại ngữ thường xuyên tổ chức các kì thi thử TOEIC. Bạn có thể đăng kí, thi thử và nghe tư vấn viên từ các trung tâm. Nếu bạn không có thời gian, bạn cũng có thể thi thử trên Internet hoặc tự làm bài thi ở nhà. Tuy nhiên, bạn nên đến tham gia thi thử tại các trung tâm ngoại ngữ để có thể làm quen nhiều hơn với môi trường thi cũng như nội dung thi sát với thi thực tế nhất.
Bắt đầu luyện thi TOEIC
Bạn hãy chia ba tháng luyện thi TOEIC ra thành các giai đoạn cụ thể và cố gắng hoàn thành tốt từng giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: 1 tháng: Khởi động!
1. Tìm hiểu kĩ về kỳ thi TOEIC (format + nội dung thi). Các bạn nên vào website chính thức của IIG (Địa điểm tổ chức thi duy nhất tại miền Bắc, Việt Nam) để tìm hiểu thông tin về kỳ thi TOEIC.
2. Luyện phát âm. Phát âm là cơ sở hỗ trợ bạn rất nhiều trong phần Listening của kì thi TOEIC. Trong kỳ thi TOEIC, phần Listening Section có rất nhiều giọng phát âm của người bản ngữ đến từ các nước nói tiếng Anh: Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand. Hãy dành mỗi ngày một tiếng để luyện phát âm và làm quen với các giọng âm này.
3. Học ngữ pháp.
Bạn có thể sử dụng quyển Ngữ pháp Tiếng Anh của tác giả Mai Lan Hương làm tài liệu tham khảo. Nên liệt kê những phần ngữ pháp xuất hiện với tần suất nhiều để tập trung vào ôn tập. Nắm chắc được những phần này bạn có thể tự tin với phần ngữ pháp trong bài thi TOEIC.
4. Học từ vựng cơ bản.
Phần từ vựng xuất hiện trong đề thi TOEIC với tần suất rất lớn. Bạn có thể sử dụng cuốn 600 essential words for new TOEIC test để luyện từ vựng. Đối với từ vựng thì học càng nhiều càng tốt.
5. Luyện nghe cơ bản.
Bạn hãy để tai mình làm quen với âm điệu, cách phát âm bằng cách nghe tiếng anh mỗi ngày. Bạn có thể không hiểu nhưng hãy cố gắng nghe thường xuyên. Một thời gian ngắn khả năng nghe của bạn sẽ tăng đáng kể.
Giai đoạn thứ hai: 1 tháng
1. Học sách Longman Preparation TOEIC Test Introductory 4th Edition trong vòng hai tuần. Bạn hãy xem qua sách một lượt để chia thời gian học cho hợp lý. Bạn hãy học kết hợp phần đọc và phần nghe.
2. Tiếp theo bạn học quyển Longman Preparation TOEIC Test Intermediate 4th Edition trong vòng hai hoặc ba tuần.
3. Trong mỗi quyển sách đều có phần test thử. Hãy làm bài test và luyện tập thật nhiều những phần còn yếu.
Giai đoạn thứ ba: 1 tháng
Giai đoạn này có thể đăng kí một khóa luyện thi TOEIC ở trung tâm. Các giai đoạn trước không nên đăng kí mà chỉ nên củng cố kiến thức như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và kinh phí. Bạn hãy tiếp thu kiến thức được truyền thụ ở trung tâm, làm bài test thật nhiều và học từ mới mỗi ngày.
Theo ml.edu.vn