Cháu không biết tiếng Anh

 Anh bạn tôi là một tiến sĩ kể lại câu chuyện chiều đi làm về, đến ngã tư, đèn tín hiệu chuyển đỏ.

Mọi người đều dừng lại. Một chàng thanh niên người nước ngoài tóc vàng hoe thản nhiên nhấn pê-đan xe đạp vọt lên. Đầu bên kia, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) quay mặt vào góc khác, coi như không nhìn thấy người nước ngoài vi phạm Luật Giao thông. Liếc thấy đồng hồ đếm còn 05 giây, anh nhích ga, đuổi sát, rồi ép chàng thanh niên người nước ngoài về phía chiến sĩ CSGT. Vừa vặn đến nơi, anh cất tiếng: “Do you know about red and green signals?” (Anh có biết tín hiệu đèn đỏ và xanh không?) Chàng thanh niên người nước ngoài sau một lát ú ớ, rồi cũng vội vã lên tiếng hỏi: “Sorry, are you Vietnamese?” (Xin lỗi, anh là người Việt Nam à?). Ấm ức quá, nhưng vội đi nên anh quay sang hỏi nhỏ chiến sĩ CSGT: “Cháu không thấy cậu ta vượt đèn đỏ à? Phạt đi cho cậu ta nhớ đến Việt Nam phải tuân thủ Luật Giao thông của Việt Nam!”. Chiến sĩ CSGT nói với theo: “Nhưng cháu không nói được tiếng Anh…”.

 

CacTinHieuDenDieuKhienGiaoThong

Chuyện người nước ngoài đến Việt Nam thuê xe gắn máy tự lái để đi du lịch, vi phạm Luật Giao thông: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, kẹp 3 phóng nhanh trên phố, giờ ngày càng phổ biến. CSGT có thấy cũng cho qua vì dừng xe họ lại thì không biết phạt thế nào. Một bên tiếng Việt, một bên tiếng nước ngoài, ngôn ngữ bất đồng thành ra mất việc. Nếu có giữ phương tiện, xử phạt lại liên quan đến đại sứ quán, đến chính sách người nước ngoài.

Ban đầu thấy người nước ngoài sử dụng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông còn thấy ngồ ngộ, vui mắt. Nhưng ẩn chứa sau nó là những hậu quả khó lường. Không có kinh nghiệm đi xe máy, chưa quen với môi trường giao thông ở Việt Nam nên đã có trường hợp du khách đi xe máy gây tai nạn hoặc tự gây tai nạn cho mình. Đó là người nước ngoài đi xe máy gây tai nạn chết người ở Nha Trang, họ tự lao xe máy vào núi ở Sapa, hay ở Phan Thiết, người nước ngoài gây tai nạn, bỏ lại xe rồi biến mất khỏi hiện trường… Người nước ngoài sang du lịch ở Việt Nam, tất nhiên họ không có bằng lái xe mô tô hoặc xe gắn máy. Bởi vì ở nước họ chủ yếu đi ô tô. Sang quốc gia nào cũng vậy, đều phải chấp hành luật pháp của nước sở tại.

Việt Nam nói chung, các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… là những đô thị thu hút du khách nước ngoài. Vì thế, CSGT không những chỉ biết Luật Giao thông, mà còn cần được trang bị thêm kiến thức về tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế thông dụng để người nước ngoài cũng phải ứng xử theo văn hóa giao thông.

Khải Đăng…

Theo nongnghiep.vn

保存