Hệ thống chữ viết và phát âm tiếng Nhật khác hoàn toàn so với hệ thống chữ tiếng Việt hay tiếng Anh, nên việc nhớ được bảng chữ cái tiếng Nhật là rất khó khăn đối với hầu hết những người mới học. Chính vì vậy, hôm nay mình sẽ chia sẻ cho mọi người các phương pháp đã giúp mình học bảng chữ cái tiếng Nhật cực hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
1. Phương pháp “cơ bắp” – Học bảng chữ cái tiếng Nhật bằng cách viết thật nhiều.
Đây là cách thông dụng nhất mà hầu hết các bạn mới học thường sử dụng để học bảng chữ cái tiếng Nhật, với tiêu chí “có công viết chữ có ngày thuộc 2 bảng”.
– Với phương pháp này bạn cần một tờ giấy tập viết có rất nhiều ô vuông.
– Mỗi ngày dành khoảng 30 – 45 phút để hoàn thành 2 trang giấy.
– Số trang dành cho 1 bảng chữ cái là 11.
Lưu ý: Bạn phải viết chữ vào giữa ô vuông, khi viết nên đọc nhẩm theo để không quên mặt chữ và cách phát âm
Theo quan điểm của mình thì mọi người không nên học theo cách này vì rất tốn công sức và dễ gây chán nản cho người mới học
2. Học bảng chữ cái tiếng Nhật qua Flashcard
Đây là phương pháp học bảng chữ cái tiếng Nhật mà mình được trợ giảng tại lớp mình từng học hướng dẫn. Phương pháp này không chỉ dùng để học bảng chữ cái mà đến nay, khi đã học đến N3 thì mình vẫn dùng phương pháp này để học chữ Hán (Kanji).
A. Đầu tiên là học bảng chữ cái Hiragana
– Bạn sử dụng tấm bìa cứng, cắt ra thành từng ô vuông nhỏ. Mặt trước ghi chữ cái Hiragana, mặt sau ghi cách đọc.
– Trộn tất cả các tấm bìa lại với nhau. Học theo từng tấm bìa một.
– Cái nào chưa nhớ hoặc khó nhớ thì các bạn để riêng ra 1 chỗ, sau đó đọc lại. Cứ lặp đi lặp lại như thế đến khi “tập bìa bị để ra vì chưa thuộc” không còn 1 cái nào là được. Ở lớp tiếng Nhật mà mình từng học (lớp Hajime), ngoài cách đọc thì các trợ giảng còn khuyên mình nên thêm ở mặt sau 2 đến 3 từ có chữ cái đó cộng thêm hình minh họa nữa. Như vậy, mình không chỉ nhớ được mặt chữ lâu hơn mà còn có thể thuộc luôn từ mới.
B. Học bảng chữ cái Katakana
– Bạn cũng viết chữ katakana ở mặt trên tấm bìa. Nhưng lần này mặt sau là chữ Hiragana tương ứng. Như vậy bạn có thể vừa học được Katakana và trần được lại Hiragana. Hơn nữa điều này giúp bạn tránh nhầm lẫn 2 bảng chữ cái tiếng Nhật với nhau trước khi học thuộc hết chúng.
Để có hiệu quả tốt nhất, bạn nên dùng flashcard để học cùng với bạn bè.
Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả rất tốt, rút ngắn thời gian nhớ mặt chữ. Tuy nhiên, nhược điểm lại là khó nhớ được cách viết.
3. Tìm những người bạn để học cùng
Học tiếng Nhật cùng bạn bè
Mình thấy việc học bảng chữ cái cũng như học tiếng Nhật trở nên hiệu quả hơn rất nhiều nếu có những người bạn để cùng chia sẻ kinh nghiệm học, giúp nhau luyện tập cùng tiến bộ. Học cùng với bạn bè sẽ có cảm giác vui vẻ, thoải mái và một chút ganh đua khiến mình cố gắng hơn và học nhanh hơn rất nhiều.
Trên đây là 3 phương pháp cũng như kinh nghiệm học bảng chữ cái tiếng Nhật nhanh nhất mình đã tìm hiểu và đúc kết trong hơn 1 năm học tiếng Nhật để đạt được đến trình độ N3 như hiện tại. Cả 3 phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, nên mọi người hãy kết hợp linh hoạt giữa 3 phương pháp này để có thể học bảng chữ cái tiếng Nhật hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất nhé!
Chúc các bạn thành công!