Dù không giỏi thuyết trình được như cựu doanh nhân Steve Jobs, bạn vẫn có thể khiến phần thể hiện của mình trở nên hấp dẫn, hiệu quả hơn với những bí quyết dưới đây.
1. Đơn giản là đỉnh cao. Những từ và câu ngắn gọn, dễ hiểu sẽ làm cho bạn dễ diễn giải những ý tưởng của mình hơn và người nghe cũng dễ nắm bắt hơn. Nếu bạn mất thời gian cho việc phải nghĩ ra những cụm từ, mẫu câu phức tạp thì phải đánh đổi việc không thể tập trung phát triển ý tưởng được. Hơn nữa, nếu người nghe không phải là người rất thông thạo tiếng Anh, họ cũng mất thời gian để dịch ngược lại những câu nói của bạn nên không theo kịp mạch nội dung thuyết trình.
2. Nói chậm. Khi thuyết trình bằng Tiếng Anh, nếu duy trì tốc độ nói vừa phải vừa giúp bạn kiểm soát tốt hơn nội dung diễn đạt và người nghe nắm bắt được bạn đang muốn truyền đạt gì.
3. Sử dụng tài liệu chuyên nghiệp. Không có gì tồi tệ hơn với những tài liệu bị sai ngữ pháp, chính tả. Những sai lầm như vậy có thể làm giảm uy tín cũng như sự chuyên nghiệp của bạn. Nhiều khi, cả một dự án trị giá nhiều triệu USD có thể bị vuột khỏi tầm tay bởi những lỗi đáng tiếc như vậy. Vì vậy, bạn nên dành thời gian cho các slides, tài liệu phát tay và tốt nhất, nhờ một người thành thạo tiếng Anh, nhất là người bản địa duyệt lại trước khi phát hành.
4. Dùng động từ thay cho danh từ. Nếu các bài viết tiếng Anh học thuật thường sử dụng các cụm danh từ phức tạp thì với văn nói, các động từ ngắn gọn không chỉ đáp ứng tiêu chí đơn giản mà còn có sức diễn đạt mạnh mẽ, trực tiếp và tự nhiên. Thay vì nói “The delivery of the package took place on Sunday afternoon by the post office”, người thuyết trình nên sử dụng mẫu câu “The post office delivered the package on Sunday afternoon” để đạt được hiệu quả diễn đạt hơn.
5. Sử dụng câu chủ động thay cho câu bị động. Câu chủ động dễ hiểu, ngắn gọn và đơn giản hơn so với câu bị động rất nhiều.
6. Tham khảo những bài thuyết trình thực tế. Một trong những cách hiệu quả để cải thiện kỹ năng thuyết trình của bạn là xem những bài thuyết trình chuyên nghiệp. Bạn sẽ nhận ra những mẹo nhỏ, các chiến lược như ngôn ngữ cơ thể, phong cách nói và cách diễn tả phổ biến bằng tiếng Anh trong những tình huống thực tế để rút bài học cho mình
7. Tập luyện với những người giỏi tiếng Anh. Bạn sẽ bị bất ngờ nhận ra được sự khác biệt khi được góp ý bởi những người có kỹ năng thuyết trình, tiếng Anh tốt. Bài thuyết trình nào cũng xứng đáng được chuẩn bị thật kỹ càng.
8. Sử dụng những từ ngữ chuyển tiếp. Những từ này sẽ làm cho người nghe dễ dàng theo dõi bài thuyết trình của bạn hơn, ví dụ: on the contrary, similarly, nevertheless, therefore hay in addition.
9. Viết rõ các số liệu. Hãy chắc chắn rằng các số liệu quan trọng được bạn đưa vào các slides để khán giả không bỏ lỡ những thông tin cần thiết này.
10. Hạn chế sử dụng những từ viết tắt. Nên nhớ rằng không phải những gì bạn biết thì tất cả mọi người đều biết. Ví dụ ở Ấn Độ, một tập tài liệu thông tin bất động sản có thể sử dụng thuật ngữ “2BHK”. Cụm từ này được hiểu là một căn hộ với 2 phòng ngủ (two bedrooms), 1 phòng khách (a hall – a living room) và 1 nhà bếp (a kitchen). Liệu tất cả người nghe, nhất là khi cả người nghe đến từ các quốc gia, tổ chức khác nhau có hiểu được ý nghĩa cụm từ này. Thử tưởng tượng tác hại của một cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài nhưng bạn không thể hiểu được nghĩa của nó. Vì vậy, an toàn hơn, bạn nên tránh việc sử dụng những cụm từ như vậy. Nếu cần thiết, hãy có một slide chỉ rõ các từ viết tắt được dùng trong bài, nhắc lại một vài lần rồi mới sử dụng.
11. Tránh dùng những cụm từ không phổ biến. Có thể từ này đang là một trào lưu ở nước bạn nhưng lại là ngôn ngữ “ngoài hành tinh” với người nước ngoài hoặc nền văn hóa khác.
12. Dùng thành ngữ phù hợp. Nhiều người thích sử dụng thành ngữ để thể hiện mức độ “bản ngữ” của mình. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, thành ngữ này sẽ “phản chủ” và khiến bài thuyết trình của bạn giảm mức độ trang trọng.
13. Không sử dụng tiếng lóng. Tiếng lóng – như đúng tên của nó, chỉ nên được dùng trong giao tiếp ngày thường và không nên nói ở những nơi trang trọng, nghiêm túc. Hơn nữa, nếu dùng không hiệu quả, những từ ngữ này sẽ “phản chủ” và khiến người nghe khó chịu.
14. Hạn chế nói ậm ừ. Những âm thanh ậm ừ có thể khiến người nghe thấy khó chịu, khiến bài nói nghe không mạch lạc. Nếu cần thiết, hãy im lặng trong một vài giây để bình tĩnh suy nghĩ và nói trôi chảy sau đó thay vì liên tiếp tạo ra những âm thanh ậm ừ.
Nga Nguyễn (theo Presentationprep)