Thông thường, bạn khó đọc chính xác một từ mới tiếng Anh nếu chỉ nhìn vào mặt chữ như trong tiếng Việt. Tuy nhiên, vẫn có một số quy luật nhất định trong cách phát âm.
Nguyên âm (vowel) bao gồm “a”, “o”, “i”, “e”, “u” đóng vai trò quan trọng khi quyết định số âm tiết (syllable) của từ. Nguyên âm không hoàn toàn quyết định việc âm (sound) đó được đọc như thế nào, chẳng hạn “a” có thể được đọc là /a/, /ə/, /eɪ/, /æ/. Một âm có thể là “short” – ngắn và “long” – dài tùy từng trường hợp.
Phụ âm gồm tất cả những chữ cái còn lại như p, b, t, r… Số âm tiết không do phụ âm quyết định. Ví dụ: “ant” có một âm tiết, “school” có một âm tiết, “teacher” có hai âm tiết.
Dù tiếng Anh được biết tới là thứ ngôn ngữ khó có thể đánh vần vì không có nguyên tắc cố định cho việc phát âm, nhưng những người học tiếng Anh vẫn truyền tai nhau một số nguyên tắc đúng với đa số các từ, có thể giúp việc học phát âm trở nên dễ dàng hơn.
Có một số nguyên tắc sau đây khi phát âm tiếng Anh có thể hữu ích dành cho bạn:
1. Khi chỉ có một phụ âm theo sau một nguyên âm, nguyên âm sẽ là âm ngắn. Ví dụ: sun /sʌn/ – phụ âm “n” theo sau nguyên âm “u”, nguyên âm này được đọc là /ʌ/ ngắn.
2. Khi một nguyên âm có hai phụ âm theo sau và không có gì ở sau đó, nguyên âm là âm ngắn. Ví dụ: hand /hænd/ – hai phụ âm “n” và “d” theo sau nguyên âm “a”, nguyên âm này được đọc là /æ/ ngắn.
3. Khi một nguyên âm đứng một mình cuối từ, nguyên âm là âm dài. Ví dụ: go /goʊ/.
4. Chữ “e” nếu ở cuối từ sẽ là âm “câm” và nguyên âm trước đó là âm dài. Ví dụ: smile /smaɪl/ – âm “e” không được đọc, âm “i” được đọc /aɪ/ dài.
5. Khi hai nguyên âm đứng liền kề nhau và nguyên âm thứ hai là âm câm thì nguyên âm trước là âm dài. Ví dụ: train /treɪn/ – âm “i” không được đọc, âm “a” được đọc /eɪ/ dài.
6. Nếu có một phụ âm theo sau một nguyên âm thì phụ âm ấy sẽ được chuyển sang âm tiết tiếp theo. Ví dụ: program /ˈprəʊ.ɡræm/ – phụ âm “g” được đọc với âm tiết thứ hai là /græm/ chứ không đọc cùng âm tiết “pro” trước đó (dấu chấm “.” ở phiên âm /ˈprəʊ.ɡræm/ thể hiện sự ngắt âm này)
7. Nếu có hai phụ âm theo sau một nguyên âm, hai phụ âm này được nói tách ra. Phụ âm đầu được nói cùng với âm tiết đầu, phụ âm thứ hai được nói cùng âm tiết sau. Ví dụ: subject /ˈsʌb.dʒekt/ – hai phụ âm “b” và “j” theo sau nguyên âm “u” nên hai phụ âm này lần lượt được đọc tách ra ở âm tiết /sʌb/ và /dʒekt/ (dấu chấm “.” ở phiên âm /ˈsʌb.dʒekt/ thể hiện sự ngắt âm này).
Y Vân (theo Reading Horizons)