Không biến âm tiếng Anh thành tiếng Việt, học âm mới, luyện cơ miệng… là những cách giúp bạn cải thiện phát âm tiếng Anh.
1. Đừng biến âm tiếng Anh thành âm tiếng Việt
Phiên âm tiếng Anh kiểu Việt Nam.
Rất nhiều tài liệu tiếng Anh có xu hướng phiên âm ra tiếng Việt. Ví dụ, “but” thì giống “bất”, hay “common” thì là “căm-mần”. Mặc dù cách tiếp cận này có thể thuận tiện cho người học, nhưng lại tạo ra một thói quen phát âm tiếng Anh rất bất lợi về lâu dài. Khi bạn học theo cách này, tiếng Anh của bạn nghe sẽ rất “nặng”, tới mức người nước ngoài “không thể đỡ nổi”.
Cách học đúng là luyện nghe các âm tiếng Anh, cố gắng nhận diện, bắt chước và học phát âm có hệ thống hơn.
2. Học những âm mới
Luôn tự luyện tập những âm mới không tồn tại trong tiếng Việt. Ví dụ, âm /dʒ/ trong từ “job” là một âm hoàn toàn mới với người Việt Nam.
Cố gắng nghe và phân biệt sự khác nhau giữa những âm tương đồng của 2 ngôn ngữ. Ví dụ, âm “th” trong từ “thank” (tiếng Anh) và “thanh” (tiếng Việt). Tìm ra điểm khác biệt, và luyện phát âm lại cho đúng.
Luyện nghe thật nhiều để phân biệt sự khác biệt giữa những cặp âm tương đồng trong tiếng Anh (minimal pairs) mà không tồn tại trong tiếng Việt. Nhận ra sự khác biệt giữa những từ như: “fit” và “feet”; “bed” và “bad”; “pull” và “pool”…
Khi nắm được những khác biệt tinh tế giữa âm tiếng Anh và tiếng Việt, nói được những âm tiếng Anh mới, bạn sẽ cải thiện phát âm rất nhanh.
3. Luyện cơ
Để có cơ bụng 6 múi, bạn phải luyện tập rất nhiều lần. Điều này có liên quan gì tới phát âm tiếng Anh không? Tập phát âm tiếng Anh rõ ràng không thể chỉ bằng ý chí, mà còn cần luyện tập nữa. Giống như việc bạn không thể có 6 múi nếu chỉ ngồi nhà đọc sách về cách luyện cơ bụng.
Những người học phát âm tiếng Anh thường than phiền rằng, sau mỗi buổi luyện âm, cơ miệng thường mỏi nhừ. Lý do là để phát âm tiếng Anh đúng, bạn sẽ phải sử dụng những cơ miệng chưa bao giờ dùng. Luyện cơ miệng cũng mệt mỏi không khác so với việc tập gym.
Một trong những phương pháp “luyện cơ” là nói tiếng Anh hàng ngày; nhưng bạn cũng có thể chỉ đọc to tiếng Anh khoảng 30 phút mỗi ngày nếu không có điều kiện. Việc đọc to tiếng Anh (trên nền tảng bạn đã biết cách phát âm) sẽ giúp cơ miệng hoạt động, tăng tự tin khi bạn phải giao tiếp thực tế bằng tiếng Anh.
4. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Tất nhiên, không phải ai cũng có khả năng tự học. Sự giúp đỡ của chuyên gia phát âm tiếng Anh là cần thiết trong nhiều trường hợp. Bên cạnh kiến thức về phát âm có thể học trong sách vở, các chuyên gia sẽ lắng nghe tiếng Anh của bạn để chỉnh sửa cách phát âm cho chuẩn và giống người bản xứ.
Học cùng các chuyên gia sẽ giúp bạn phát âm tiếng Anh chuẩn trong thời gian ngắn nhất.
5. Vượt qua thử thách
Rất nhiều người sợ phải nói tiếng Anh vì cảm thấy xấu hổ khi mắc lỗi phát âm. Họ ngồi nhà một mình và “cày” từ vựng, ngữ pháp suốt ngày. Họ cho rằng, một khi mình biết tất cả quy tắc trong tiếng Anh thì sẽ không còn mắc lỗi. Tin buồn là ngày đó không bao giờ đến.
Họ không bao giờ giỏi bằng những người cứ “xách ba-lô lên và nói tiếng Anh” – những người không ngại mắc lỗi. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của bạn, việc mắc lỗi là rất bình thường và không có gì đáng xấu hổ. Có một quy luật quan trọng nhất mà nhiều người hay quên, bạn không thể nói tiếng Anh giỏi được nếu không bao giờ nói.
Quang Nguyen